Nhiều sản phụ bị suy gan cấp nguy kịch

Chủ Nhật, 06/11/2022, 17:59

Mang thai là quá trình diễn ra bình thường ở rất nhiều phụ nữ, song có những người lại gặp biến chứng thai kỳ như tiểu đường, tăng huyết áp, đặc biệt là suy gan cấp tính nhưng không biết, đe doạ đến tính mạng cả mẹ và con.

Cách đây ít ngày, chị Nguyễn Thị Hương (31 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đang mang thai ở tuần 37 được các bác sĩ phát hiện chỉ số men gan tăng đột biến trên 1.000 UI, kèm theo chức năng thận suy giảm, rối loạn chức năng đông - cầm máu.

Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân chưa từng mắc bệnh gan, có phát hiện tiểu đường thai kỳ từ khi thai 27 tuần. Các bác sĩ nghi ngờ tình trạng suy gan, thận do biến chứng từ gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ, thường xảy ra trong tuần thai thứ 28 đến 42.

Mặc dù thời điểm này người bệnh chưa có dấu hiệu chuyển dạ, nhưng ở trong tình trạng nguy cấp, bác sĩ vẫn chỉ định mổ lấy thai ngay để cứu cả mẹ và con.

Nhiều sản phụ bị suy gan cấp nguy kịch, phải thay huyết tương để cứu tính mạng -0
Sản phụ đã được cứu sống nhờ thay 34 bịch huyết tương.

Em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh, nặng 2,9 kg. Sản phụ được chỉ định thay huyết tương ngay lập tức để điều trị tình trạng suy gan, suy thận. Chỉ trong 2 ngày, sản phụ sử dụng tổng cộng 34 bịch huyết tương dung tích 200ml. Chỉ số men gan của sản phụ dần trở về ngưỡng an toàn. 

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng cứu sống sản phụ bị hội chứng HELLP (bị tăng men gan và giảm tiểu cầu) nặng nhờ thay huyết tương bằng máy lọc máu liên tục. Sản phụ L.T.L, mang thai 38,5 tuần, sốt cao, xuất huyết dưới da, vàng da, suy gan, giảm tiểu cầu nặng và rối loạn đông máu. Ê kíp bác sĩ được huy động để truyền huyết tương, tiểu cầu và tiến hành phẫu thuật lấy thai cho sản phụ an toàn.

Mặc dù sản phụ được truyền nhiều đơn vị máu và tiểu cầu nhưng tình trạng thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, suy gan vẫn không giảm và sản phụ phải thở máy. Bệnh viện đã tổ chức chội chẩn và đánh giá sản phụ bị hội chứng HELLP nặng, cần tiến hành thay huyết tương bằng lọc máu liên tục. Sau 4 lần lọc máu thay huyết tương, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định.

Mới đây Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) đã cấp cứu thành công một ca bệnh suy gan cấp bằng liệu pháp thay huyết tương. Các bác sĩ đã sử dụng 7,5 lít huyết tương do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cung cấp để thực hiện 5 lần thay huyết tương, giúp người bệnh vượt qua cửa tử.

Trước đây, không có cách điều trị đặc hiệu nào cho bệnh suy gan cấp, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp hồi sức cơ bản cho bệnh nhân như hồi sức tuần hoàn; điều trị chống phù não; dự phòng chống chảy máu đường tiêu hóa; điều trị rối loạn đông máu; điều trị hỗ trợ gan hoặc các cơ quan bị suy chức năng; điều trị các biến chứng trong khi chờ đợi tế bào gan phục hồi hoặc chờ phẫu thuật thay gan.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh và mạnh về khoa học kỹ thuật, nhiều bệnh viện đã điều trị suy gan cấp bằng liệu pháp thay huyết tương, cứu sống nhiều tính mạng người bệnh.

Thay huyết tương (loại chế phẩm máu được điều chế từ máu toàn phần do người khỏe mạnh hiến tặng) là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh, thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự, giúp loại bỏ chất độc sản sinh trong quá trình chuyển hóa nâng đỡ gan trong lúc chờ đợi hồi phục gan.

Bệnh gan cấp tính trong thai kỳ thường có biểu hiện nôn ói, đau thượng vị rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh đường tiêu hóa hoặc ốm nghén muộn. Để phòng tránh bệnh, phụ nữ mang thai cần tránh sử dụng rượu, bia, điều trị tốt bệnh lý nội khoa trước khi có thai. Phụ nữ mang thai cần khám định kỳ, kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường thai kỳ, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ.

Suy gan cấp là tình trạng gan bị tổn thương ồ ạt bởi nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tiết niệu, rối loạn đông máu. Đặc biệt là suy đa tạng ở cơ thể người bệnh mà trước đó các chức năng gan của họ bình thường với tỷ lệ tử vong cao lên đến 90% nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trần Hằng
.
.
.