Người dân trở về quê nghiêm túc cách ly để an toàn cho cộng đồng
Là địa phương có số lượng công dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam đông nhất Tây Nguyên, với hơn 18.000 người, trong những ngày qua, để trở về có nơi cách ly đảm bảo an toàn, hiệu quả, người dân ở tỉnh này đã có nhiều cách làm hay, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng…
Từ Bình Dương trở về quê sau hơn 3 tháng thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, em Đồng Thanh Hiếu (trú tại thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cùng với một người bạn được gia đình hai bên chuẩn bị cho một căn chòi trong rẫy vắng để thực hiện cách ly. Hằng ngày, mọi sinh hoạt của Hiếu và người bạn chỉ quanh quẩn bên trong căn chòi. Mọi tiếp tế đồ ăn, thức uống đều được người nhà mang đến để ngay cửa. Hiếu cho biết, đầu năm Hiếu cùng với người bạn vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất đồ điện tử. Mỗi tháng, sau khi trừ tiền ăn và chi phí sinh hoạt, Hiếu cũng gửi về nhà hơn 5 triệu đồng để phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học.
“Hơn 3 tháng qua, dịch bệnh xảy ra công ty cho nghỉ việc. Em chỉ biết quanh quẩn trong nhà trọ, số tiền tiết kiệm cũng đã chi tiêu hết. Biết là trở về quê không đành nhưng không còn cách nào khác nên sau khi tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách, em cùng với người bạn đã quyết định theo đoàn chạy xe máy về quê”, Hiếu chia sẻ.
Cũng theo lời Hiếu, trước khi về nhà Hiếu có gọi điện báo cho bố mẹ chuẩn bị cho em một chỗ để cách ly. “Giờ về đến nhà được chính quyền địa phương giúp đỡ, gia đình hai bên cũng đã chuẩn bị căn chòi này để cho em yên tâm cách ly theo quy định. Việc tuân thủ cách ly không chỉ để an toàn cho bản thân, người thân trong gia đình mà còn đảm bảo không lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, Hiếu nói.
Cùng chung cảnh ngộ, hai vợ chồng anh Phùng Văn Quang (trú cùng thôn) trở về từ TP Hồ Chí Minh được hơn 3 ngày qua. Để đảm bảo an toàn cho hai con nhỏ và mẹ già, vợ chồng anh đã quyết định ngăn căn nhà kho bỏ hoang phía sau bấy lâu nay để làm chỗ cách ly.
“Hơn nửa năm qua, cả hai vợ chồng vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghề phụ hồ. Hai đứa con nhỏ phải nhờ vào sự chăm nuôi của bà nội. Dịch bệnh xảy ra cả hai vợ chồng đều không có việc làm, mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Giờ về đến nhà, nhìn thấy con nhỏ nhớ vô cùng nhưng mình phải tuân thủ cách ly cho an toàn bản thân, gia đình, cộng đồng”, anh Quang chia sẻ.
Còn đối với vợ chồng anh Trần Văn Thông và chị Lưu Thị Kim Loan (trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) ngay sau khi trở về từ tỉnh Bình Dương, cả hai anh chị đã quyết định vào rẫy dựng chòi cách ly, không tiếp xúc với bất kỳ ai. “Dù xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính nhưng mình vẫn chưa yên tâm bởi có trường hợp đến lần xét nghiệm thứ 2, 3 mới phát hiện bệnh. Nếu mình ở trong nhà, lại có con nhỏ thì việc tránh tiếp xúc gần rất khó. Tốt nhất, nhà mình ra rẫy ở cho đảm bảo, khi nào chắc chắn không mắc bệnh mới yên tâm về nhà”, anh Thông nói.
Tương tự, gia đình anh Y Nguyệt Ayun và chị HDjô Niê (ở buôn Êga, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương thì phải nghỉ việc về quê do dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Biết tin, người thân anh Y Nguyệt đã dựng sẵn chòi gỗ bên cạnh ruộng lúa, chuẩn bị các vật dụng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm đủ dùng trong nhiều ngày để hai vợ chồng tự cách ly.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, là địa phương có số lượng công dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam đông nhất tỉnh với hơn 2.700 người. Trong những ngày qua, ngoài việc tổ chức đoàn tiếp đón thì việc phổ biến, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh đến từng người dân cũng đã được địa phương đẩy mạnh. “Huyện cũng ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh hoạt động của tổ COVID cộng đồng ở các xã, thị trấn giám sát các gia đình có người bị cách ly và báo cáo thường xuyên về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã ngày 2 lần. Huyện cũng đã thành lập tổ an sinh xã hội, tổ này cũng đảm bảo nguồn lực của huyện cũng như nguồn lực vận động của các nhà hảo tâm để hỗ trợ kịp thời cho các người dân cách ly trong thời gian gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”, bà Oanh thông tin.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, toàn xã có gần 2.000 công dân đang lao động ngoại tỉnh đã trở về địa phương và thực hiện biện pháp cách ly tại nhà hoặc vào các khu cách ly tập trung. “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã tự chuẩn bị nơi cách ly tách biệt với gia đình, cộng đồng như chòi rẫy, dựng lều tạm… Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn, bất tiện nhiều mặt nhưng người dân luôn nghiêm túc chấp hành quy định cách ly, thường xuyên báo cáo tình hình sức khỏe cho cán bộ y tế để được hướng dẫn khi có vấn đề phát sinh”, ông Dũng cho hay.
Có thể nói, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương đã và đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như cách ly người trở về từ vùng dịch. Việc cách ly nghiêm túc đòi hỏi ý thức cao từ mọi người và chỉ khi thực hiện cách ly nghiêm túc thì mới có thể bảo vệ được sức khỏe cho chính bản thân, người thân và cả cộng đồng.