Mang thai hộ - thế nào là hợp pháp?

Thứ Ba, 06/12/2022, 08:17

Ao ước có mụn con, song với nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn điều đó thật khó khăn và xa vời, nhất là với những người phụ nữ mắc ung thư. Trên hành trình gian nan đi "tìm con", nhiều người đã thất bại với các biện pháp can thiệp, có người phải xin con nuôi, hoặc nhờ mang thai hộ.

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã làm xong 20 hồ sơ thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ, thực hiện được 18 ca. Trong đó có 13 ca thực hiện thành công, đón 16 em bé chào đời (3 ca sinh đôi). Đây là 1 trong 7 bệnh viện trên cả nước được cấp phép thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ.

Hạnh phúc muộn nhưng ngọt ngào

Nhìn cặp song sinh là hai bé trai khoẻ mạnh, chị N.T.T (Đà Nẵng) không giấu được niềm hạnh phúc. Được làm mẹ là ao ước cháy bỏng của người phụ nữ đã từng tuyệt vọng khi phát hiện mình mắc ung thư nội mạc tử cung. Cách đây 5 năm, chị T được phát hiện mắc ung thư nội mạc tử cung giai đoạn sớm, để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt tử cung cho chị. Đối với người phụ nữ tuổi còn trẻ, chưa sinh con, tin này như "sét đánh ngang tai". Nhưng khao khát có con vẫn cháy bỏng trong chị nên khi nghe bác sĩ tư vấn, trước khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung để tiến hành trị liệu hoá chất, chị nên lấy trứng và trữ phôi, chị T đã đồng ý ngay.

Vài năm sau, khi điều trị ung thư ổn định, chị rất khao khát có con, song do không còn tử cung nên việc mang thai là chuyện không tưởng. Trong gia đình có người em gái sẵn sàng mang thai hộ chị. Được sự chấp thuận của chồng và gia đình chồng, người em gái này đã cùng chị T đến Bệnh viện Trung ương Huế làm các thủ tục mang thai hộ. Khi đón hai thiên thần là 2 bé trai chào đời khoẻ mạnh, cả gia đình chị vô cùng hạnh phúc sau những năm tháng đau khổ bởi bệnh tật.

tư huế.jpeg -0
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Trung ương Huế đón nhiều em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con, BSCKII Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, ông ấn tượng nhất trường hợp chị chồng mang thai hộ em dâu. Đó là cặp vợ chồng quân nhân ở Khánh Hoà, kết hôn từ trẻ nhưng lần mang thai đầu tiên không may người vợ bị tai biến sản khoa, vỡ tử cung trong thai kỳ. Kết quả, con mất, mẹ phải cắt tử cung, chị không còn khả năng mang thai tiếp.

 Người chị gái của chồng gần 40 tuổi, đã sinh đủ con, vì thương vợ chồng em trai có thể phải sống cô quạnh cả đời đã lặn lội bế theo con út của mình từ miền Bắc vào Khánh Hoà, vừa nuôi con, vừa mang thai hộ giúp vợ chồng em trai. "Ban đầu, gia đình chồng của người mang thai hộ phản đối rất mạnh, nhưng sau nhiều lần thuyết phục, đứng trước tình thân ruột thịt nên gia đình chồng đã đồng ý. Cũng vì tình thân, vì em trai mà chị này đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, vượt qua được rất nhiều khó khăn để sinh 2 em bé khoẻ mạnh" - BS Hùng nói.

Theo lời kể của BS Hùng, quá trình mang thai hộ của gia đình này rất vất vả. Ở lần chuyển phôi thành công, chị mang song thai nhưng chỉ được vài tháng, chị bị sảy. Vài tháng sau, họ phấn đấu thực hiện tiếp, 2 bé gái chào đời khoẻ mạnh, năm nay đã vào lớp 1.

Chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo BS Lê Việt Hùng, nhu cầu mang thai hộ rất nhiều. Tuy nhiên việc thực hiện rất khó, ở Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm vì thương mại. Người mang thai hộ phải có quan hệ huyết thống (chị em gái ruột của vợ hoặc chồng), đáp ứng đủ yêu cầu của quy định pháp luật và việc tìm kiếm người có thể mang thai hộ rất khó.

Trong đó, với phụ nữ, người nhờ mang thai hộ phải là người không có tử cung (có thể vì dị tật bẩm sinh, hoặc do bị cắt tử cung do tai biến, các bệnh lý u xơ tử cung nặng không mang thai được); trường hợp thứ 2 là có tử cung bình thường nhưng mắc bệnh lý nặng (như huyết áp cao nặng, suy thận, suy tim... bệnh nặng lên khi mang thai).

Tuy nhu cầu mang thai hộ nhiều, nhưng nhiều trường hợp đến đây đều không đủ các yếu tố quy định nên không được xét duyệt", BS Hùng nói.

Đại diện Vụ Sức khoẻ Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam cấp phép thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ cho 7 cơ sở gồm 4 bệnh viện công lập (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế, Hùng Vương và Từ Dũ) và 3 bệnh viện tư nhân. Đầu năm 2016, Việt Nam đón em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ. Sau gần 7 năm, có rất nhiều em bé mang thai hộ chào đời khoẻ mạnh. Để thực hiện mang thai hộ, các trường hợp phải chuẩn bị ít nhất 12 loại giấy tờ cần thiết.

Theo BS Hùng, so với Hàn Quốc và các nước Bắc Âu, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam chủ động trữ trứng còn rất thấp. "Bệnh viện Trung ương Huế chưa tiếp nhận trường hợp nào trữ trứng về vấn đề tuổi tác mà chỉ trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc ung thư (vú, tử cung), họ chới với lắm. Điều trị ung thư thường là phẫu thuật bóc u, nạo vét hạch, hoá chất, xạ trị… Sau khi kết thúc quá trình điều trị, nếu sống sau 5 năm, họ mới trở lại để điều trị có con, lúc này chất lượng trứng đã đi xuống. Vì vậy, chúng tôi thường tư vấn cho bệnh nhân trước khi điều trị ung thư thì lấy trứng và trữ trứng (người chưa có gia đình) hoặc lấy trứng và trữ phôi (người đã có gia đình) xong mới điều trị.

BS Hùng cũng cho biết, tuổi sinh đẻ của phụ nữ tốt nhất trước 35, sau tuổi này tỷ lệ có thai giảm nhiều, khi có thai nguy cơ sảy thai cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ nữ mải mê công việc, lập gia đình muộn, sau này sẽ khó có thai vì chất lượng trứng sẽ giảm theo thời gian, nhất là sau 40 tuổi, lúc đó trữ trứng thì bị muộn. "Các nước khuyến cáo tuổi trữ trứng tốt nhất trước 30 và muộn nhất trước 35. Vì vậy, nếu phụ nữ kết hôn muộn thì nên trữ trứng và tuổi trữ trứng càng sớm thì chất lượng càng tốt", BS Hùng khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.