Hy vọng sống cho bệnh nhân ung thư máu
Khoảng 60% bệnh nhân ung thư ghép tế bào gốc sống được trên 5 năm. Kể từ ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tuỷ xương vào năm 2006, đến nay Việt Huyết học – Truyền máu Trung ương đã ghép được gần 600 ca, trong đó 2/3 là ghép tế bào gốc máu đồng loại (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn).
Giá 1 ca ghép tế bào gốc ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước ngoài. Hầu hết những kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực huyết học – truyền máu trên thế giới đang được thực hiện tại Việt Nam, đặc biệt là các liệu pháp điều trị cho người mắc bệnh máu ác tính, trong đó liệu pháp tế bào gốc tạo máu đã mang lại hiệu quả cao điều trị cao cho người bệnh.
Hoàng Thị Diệu Thuần (SN 1978, quê ở Nghệ An) là trường hợp chiến thắng bệnh nhân ung thư máu nhờ ghép tế bào gốc thành công. Diệu Thuần phát hiện ung thư máu khi cô 18 tuổi, vừa từ Nghệ An ra Hà Nội học đại học. 7 năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo, sau rất nhiều đợt truyền hoá chất, dùng thuốc nhắm đích, đã có lúc cô gái này suy yếu đến mức gia đình chuẩn bị lo hậu sự khi không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó.
Cơ hội duy nhất để cứu sống cô gái trẻ là ghép tế bào gốc. Kết quả thật tuyệt vời, sau 10 năm ghép tế bào gốc, Diệu Thuần đã hồi phục hoàn toàn như người bình thường. Sau 17 năm mắc ung thư máu và ghép tế bào gốc, cô gái ấy vẫn “Như hoa hướng dương” trở thành một người chị thân thiết của trẻ em ung thư máu, tham gia vào rất nhiều hoạt động tình nguyện và cô là người sáng lập ra Mạng lưới vì trẻ em ung thư… hoạt động rất hiệu quả.
Năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tuỷ xương đã thực hiện thành công tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tháng 5/2008, Viện tiếp tục triển khai ghép tế bào gốc đồng loại, đánh dấu một kỷ nguyên mới, đưa ghép tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng, đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học. Năm 2014, ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống) đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Viện, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.
Đặc biệt, ghép tế bào gốc còn là phương pháp điều trị có hiệu quả cao với bệnh nhân suy tuỷ xương. Tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%; ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ và sống thêm không bệnh 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91% (với bệnh nhân suy tuỷ xương được ghép tế bào gốc máu ngoại vi từ người hiến cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn HLA). Ca ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên được thực hiện vào năm 2008 và ghép cho bệnh nhân suy tuỷ xương được tiến hành từ tháng 10/2020. Đến nay, sau 12 năm, bệnh nhân suy tuỷ xương đầu tiên được ghép tế bào gốc tại Viện vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.
Theo TS.BS Bạch Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam cho biết, đối với những bệnh nhân ung thư máu, nếu điều trị đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%. Vì vậy, ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, di truyền có cơ hội khỏi bệnh, quay lại cuộc sống bình thường.
BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Ghép tế bào gốc đồng loài hiện nay là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi suy tuỷ xương. Để ghép tế bào gốc cho người bệnh suy tủy xương, lựa chọn tối ưu là nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột hòa hợp HLA hoàn toàn. Bên cạnh đó, còn có thể ghép từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, ghép nửa hòa hợp (haplotype) hoặc ghép máu dây rốn kết hợp với ghép nửa hoà hợp.
Hiện nay, chi phí ghép tế bào gốc tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp ghép, nguồn tế bào gốc, tình trạng nhiễm trùng, biến chứng, mức hưởng BHYT… của người bệnh. Một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng từ 100 – 200 triệu đồng; ghép tế bào gốc đồng loài cùng huyết thống phù hợp HLA khoảng 400 – 600 triệu đồng (nguồn tế bào gốc được lấy từ máu dây rốn hoặc máu ngoại vi, tủy xương của anh chị em ruột; ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng khoảng 600-800 triệu; ghép tế bào gốc nửa hoà hợp (ghép haplotype – từ nguồn tế bào gốc của bố/mẹ hoặc anh chị em ruột nửa hoà hợp) khoảng 600 -700 triệu đồng; ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ 1 tỷ – 1,2 tỷ đồng.
Có những ca chi phí ghép tế bào gốc có thể thấp hơn hoặc cao hơn. Chi phí ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thấp hơn rất nhiều so với ở nước ngoài. Theo các bác sĩ, trải qua hơn 10 năm triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc, các bác sĩ đã không ngừng cập nhật các tiến bộ của thế giới, đặc biệt là tại Viện Sức khỏe Hoa Kỳ để ứng dụng các phác đồ điều trị và kỹ thuật mới nhằm hạn chế tối đa các biến chứng sau ghép.