Hy vọng cho các F0 điều trị tại nhà từ bác sĩ tư vấn online và trạm y tế lưu động

Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:59

TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là hai địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước, hệ thống y tế đã bị quá tải, mặc dù Bộ Y tế đã điều động một lực lượng rất lớn bác sĩ, nhân viên y tế cho hai địa phương; xây dựng 4 Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19, song với từ 3.000 - 4.000 ca mắc mỗi ngày, nhiều người bệnh nhẹ đã không có chỗ điều trị.

Chiến lược điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà được áp dụng và coi là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp và căng thẳng như hiện nay. Làm sao F0 điều trị tại nhà không dẫn đến bệnh nặng và tử vong là điều mà hàng triệu người dân đặc biệt quan tâm.

Hàng chục nghìn F0 đang điều trị tại nhà

Trong đợt dịch dịch thứ tư, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 194.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương là hơn 86.000  ca. Số ca mắc mới trong ngày của hai địa phương luôn đứng nhất, nhì trong cả nước. Trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị (bao gồm các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực...) bị quá tải, nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - người được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động cho biết, đến nay tại TP Hồ Chí Minh có đến 45.000 người là F0 cần theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Trong đó có 23.000 người đang được theo dõi, chăm sóc tại nhà, còn 22.000 là các ca F0 đã điều trị ở các cơ sở y tế và được chuyển về nhà cách ly, theo dõi tiếp.

Trước đây, có nhiều F0 triệu chứng nhẹ ở TP Hồ Chí Minh không thể đến viện do quá tải, họ ở nhà và tư vấn qua bác sĩ online, bác sĩ kê đơn, sau đó mua thuốc uống. Hiện nay, để điều trị cho F0 ở nhà, Bộ Y tế đã chỉ đạo, các địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cần thành lập các trạm y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà. Ở TP Hồ Chí Minh, hết ngày 25/8 đã thiết lập 403 Trạm Y tế lưu động. Mỗi phường, xã của TP có ít nhất từ 1 đến vài trạm y tế, phụ thuộc vào số đối tượng F0 nhiều hay ít trên địa bàn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, chiến lược thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay và mới chỉ đi vào hoạt động chưa đầy 1 tuần nhưng bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.

Các bệnh nhân F0 nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà là đối tượng chính mà các trạm y tế lưu động phục vụ. Bên cạnh đó, những người dân khác mắc bệnh thông thường hay có bệnh mãn tính cũng được các trạm lưu động này được chăm sóc và điều trị.

Hy vọng cho các F0 điều trị tại nhà từ bác sĩ tư vấn online và trạm y tế lưu động -0

Lực lượng Quân y tại Trạm y tế lưu động số 1 (phường 6, quận Tân Bình) mang các đồ dùng cần thiết (bình oxy, máy đo nồng độ oxy, ống nghe, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang…) để đến nhà F0. Ảnh: TTXVN. 

Mang nhiều hy vọng sống cho người bệnh

Điều lo lắng của người dân TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam đang có dịch khi F0 điều trị tại nhà là bệnh nhân chuyển biến nặng nhưng không biết và không được phát hiện kịp thời để chuyển đến bệnh viện. Trong thời gian qua, có nhiều ca bệnh khi được chuyển đến viện thì đã rất nặng, hoặc tử vong. Mô hình bác sĩ online của các nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn ở F0, F1 ở TP Hồ Chí Minh ra đời, đã giúp rất nhiều bệnh nhân vượt qua đại dịch.

Chia sẻ câu chuyện vượt qua đại dịch của gia đình mình, chị Phương Thi, ở quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết, vào đầu tháng 8, cả 3 người trong gia đình chị mắc COVID-19 gồm cha, mẹ và em trai. Mẹ của chị Thi ngày một chuyển nặng, sốt cao, đổ mồ hôi, đặc biệt ho nhiều không kiểm soát và xuất hiện tình trạng khó thở, ngáp cá. Gọi điện khắp các bệnh viện đều quá tải, trong lúc tuyệt vọng, chị đã lên tiếng cầu cứu trên Facebook.

Rất nhanh sau đó, chị được kết nối đến Fanpage Nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0-F1 đang cách ly tại nhà. Thật may mắn, gia đình chị nhận được tư vấn qua video call từ BS Lê Vũ và được biết tình trạng của mẹ cần được đưa đi cấp cứu vì thiếu oxy. Nhưng đến viện lúc đó là điều không thể. BS Vũ đã kê đơn thuốc và kết nối nhóm BS Hiển hỗ trợ thêm bình oxy.

Đêm đó, nhờ có bình oxy kịp thời mà tình trạng khó thở được cải thiện rõ rệt, bà bắt đầu ngủ được. Chị Phương thường xuyên trao đổi với các bác sĩ những ngày sau đó, nhờ những đơn thuốc của bác sĩ kê đều đặn, và nhờ vào bình oxy của nhóm thiện nguyện hỗ trợ, sau 10 ngày mẹ chị bình phục.

BS Phương Thảo, Nhóm bác sĩ hỗ trợ F0-F1 tại nhà TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày các bác sĩ nhận được cả trăm cuộc gọi nhờ tư vấn, hỗ trợ không chỉ riêng của người bệnh ở TP Hồ Chí Minh mà còn các tỉnh, thành khác. Riêng BS Thảo đang quản lý 400-500 F0 tại nhà. Sáng nào thức dậy, việc đầu tiên của chị là mở list bệnh nhân đang quản lý và kiểm tra xem trường hợp nào cần hỗ trợ sớm, tiếp đến là kiểm tra tin nhắn và thường là cả chục tin nhắn từ người bệnh đang chờ câu trả lời.

Công việc tư vấn điều trị thường từ 8h sáng đến 3h đêm, có khi là trắng đêm vì bệnh nhân này kết nối, mách với bệnh nhân kia, nên tin nhắn mà bác sĩ nhận được cũng ngày một nhiều. Nhờ những bác sĩ tư vấn online như BS Thảo, mà nhiều người bệnh đã vượt qua COVID-19.

Giờ đây, cùng với đội ngũ bác sĩ tư vấn online, cộng với vai trò của trạm y tế lưu động, là cánh cửa hy vọng cho các F0 khi điều trị tại nhà. Theo PGS Nguyễn Hoàng Long, mỗi trạm y tế lưu động được bố trí tối thiểu 1 bác sĩ, 3-5 nhân viên y tế và đội ngũ hỗ trợ từ các lực lượng tình nguyện viên, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên…

Hy vọng cho các F0 điều trị tại nhà từ bác sĩ tư vấn online và trạm y tế lưu động -0

 Nhân viên trạm y tế lưu động ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Ngoài lực lượng y tế ở TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã chi viên y bác sĩ từ khắp nơi vào hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh tham gia hoạt động trực tiếp tại các trạm y tế lưu động. Cục Quân y Bộ Quốc phòng đã đưa vào 300 bác sĩ quân đội thì chủ yếu phân bổ cho các Trạm Y tế lưu động. Cùng với đó còn có đội ngũ của Trường Đại học Y tế công cộng và y bác sĩ từ một số tỉnh phía Bắc….

PGS Long cho biết, nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong. Sau một thời gian hoạt động, nếu có bất cập sẽ được điều chỉnh để hoàn thiện ngay.

Mô hình Trạm Y tế lưu động đã phát huy hiệu quả

Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang tích cực triển khai thực hiện các Trạm y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà. Tại TP Hồ Chí Minh đã lập trên 400 Trạm Y tế lưu động và đang hoạt động hiệu quả.

Các Trạm Y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh phần lớn đặt tại các trường học, đều được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.

BS Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Chánh cho biết huyện có 15 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn như: Y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ, các cán bộ hỗ trợ… Đây là "cánh tay nối dài" cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà. Các Trạm Y tế lưu động này thường xuyên đến tận nhà dân để đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc, liên hệ chuyển tuyến. Hiện Bình Chánh có gần 300 người nhiễm COVID-19 đang được các Trạm Y tế lưu động chăm sóc tận tình.

Biết thông tin có Trạm Y tế lưu động Bình Hưng cạnh nhà mình, bà Nguyễn Hoa ở xã Bình Hưng cũng chủ động đưa cả nhà đến xét nghiệm bằng test nhanh. Bà Hoa cho biết: "Người dân chúng tôi rất vui mừng khi có các Trạm Y tế lưu động mà lại ở gần nhà, đây là điều rất thuận tiện khi cần thiết cần được tư vấn hay khám bệnh. Để khỏi mất công nhân viên y tế, chúng tôi khi đi đã dặn nhau thực hiện nghiêm quy định khoảng cách, đến khai báo đầy đủ các triệu chứng".

Chị Lê Thị Kiều Ngân phụ trách Trạm Y tế lưu động xã Bình Hưng cho biết: "Bình Hưng là "điểm nóng" của Bình Chánh nên có lúc chúng tôi hoạt động xuyên đêm. Các tình nguyện hỗ trợ kết nối với chúng tôi chặt chẽ và đến nhà dân chăm sóc từ chiều nay đến sáng mai mới về. Chúng tôi còn liên tục điện thoại hướng dẫn, nắm bắt sức khỏe các ca bệnh ở nhà. Về vấn đề ăn uống, hỗ trợ dinh dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ tại các Trạm Y tế lưu động thì có xã lo. Hiện riêng tại xã này có gần 50 F0 đang điều trị tại nhà đều do chúng tôi chăm sóc là chính".

Nguyễn Cảnh

Trần Hằng
.
.
.