Mô hình trạm y tế lưu động phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch

Thứ Sáu, 27/08/2021, 17:46

Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang tích cực triển khai thực hiện các trạm y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà. TP Hồ Chí Minh đã lập trên 400 trạm y tế lưu động và đang hoạt động hiệu quả.

Các trạm y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh phần lớn đặt tại các trường học, đều được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.

BS Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Chánh cho biết huyện có 15 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn là y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ và các cán bộ hỗ trợ… Đây là cánh tay nối dài cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà.

Các trạm y tế lưu động này thường xuyên đến tận nhà dân để đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc, liên hệ chuyển tuyến. Hiện Bình Chánh có gần 300 người nhiễm COVID-19 đang được các trạm y tế lưu động chăm sóc tận tình. Khi mô hình trạm y tế lưu động phát triển mạnh, các khu dân cư đã tìm đến để được tư vấn, nắm kỹ hơn về COVID-19 cũng như xét nghiệm sàng lọc kịp thời, tránh tuyệt đối sự chủ quan với dịch bệnh.

Mô hình Trạm Y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch -0

Người dân đến trạm y tế lưu động xã Bình Hưng để được tư vấn về COVID-19 và xét nghiệm bằng test nhanh. 

Chị Nguyễn Thị Linh ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết, chị đã đưa mẹ và các con mình đến trạm y tế lưu động của xã để thăm khám và được tư vấn các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất.

Chị Linh chia sẻ: “Từ ngày có trạm y tế lưu động, chúng tôi thấy rất thuận tiện. Khi hỏi bất kể thông tin gì về COVID-19, chúng tôi đều được y bác sĩ ở đây tư vấn, cung cấp đầy đủ. Trạm y tế lưu động còn kết hợp chặt chẽ với các tình nguyện viên từ các đội cấp cứu, ai bệnh nặng được hỗ trợ chăm sóc ngay”.

Biết thông tin có trạm y tế lưu động Bình Hưng cạnh nhà mình, bà Nguyễn Hoa ở ở xã Bình Hưng cũng chủ động đưa cả nhà đến xét nghiệm bằng test nhanh. Bà Hoa cho biết: “Người dân chúng tôi rất vui mừng khi có các trạm y tế lưu động mà lại ở gần nhà. Đây là điều rất thuận tiện khi cần thiết cần được tư vấn hay khám bệnh”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam, đến ngày 26/8 thành phố đã thiết lập 403 trạm y tế lưu động, hiện thành phố đang khẩn trương lập tiếp các trạm y tế mới. Các trạm y tế tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đang phụ trách, chăm sóc và điều trị cho 23.197 người F0 cách ly tại nhà.

Cùng với đó là hướng dẫn F0 sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc RT-PCR) cho F0 vào ngày thứ 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly và làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Ngoài ra, trạm y tế lưu động phụ trách hướng dẫn F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% thì gọi ngay tổng đài 115 hoặc gọi số điện thoại của trạm y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Mô hình Trạm Y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch -0

Tổ công tác Bộ Y tế (bên phải) hướng dẫn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ ở Trạm Y tế lưu động xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. 

Đánh giá về mô hình trạm y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế - được Bộ trưởng Bộ Y tế giao hỗ trợ TP Hồ Chí Minh thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động cho biết, trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị (bao gồm các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực...) sẽ bị quá tải, nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng là cần thiết. Chiến lược thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.

Nguyễn Cảnh
.
.
.