Hàng loạt đơn vị y tế công lập thu viện phí không đủ trả lương
Trong năm qua, nhiều đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thu viện phí không đủ để chi trả lương...
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, mạng lưới y tế cơ sở tỉnh, hiện nay có 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện/thị xã/thành phố; 141 trạm y tế xã/phường/thị trấn.
Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc đạt 90,8%. Nhân lực y tế tại cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có 2.319 người. Tiếp tục duy trì mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp trong cả tỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn có cơ sở trạm y tế xã. Số nhân viên y tế được bố trí làm công tác dự phòng là 1.345 người, trong đó bác sĩ là 313 người…
Thế nhưng, trong năm qua, nhiều đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh thu viện phí không đủ để chi trả lương. Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa 8, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra ngày 20/2 vừa qua, UBND tỉnh cho biết, tháng 2/2022, cơ quan này phân bổ số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế là 1.549 người và giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên của Sở Y tế là 1.488 người. Trên cơ sở số lượng người làm việc được giao và dự toán ngân sách Nhà nước được bố trí năm 2022, Sở Y tế đã phân bổ dự toán cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, trong đó có quỹ lương của 1.549 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 165 tỷ đồng. Riêng đối với 1.488 người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, Sở Y tế đã giao các đơn vị sử dụng từ nguồn thu (chủ yếu là thu viện phí) với số tiền hơn 135 tỷ đồng để chi trả.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và là năm đầu giai đoạn thực hiện cơ chế tự chủ nên việc xây dựng dự toán thu viện phí cũng như việc tính toán, xác định số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của nhiều cơ sở y tế chưa phù hợp với thực tế thu. Nguồn thu viện phí ngoài việc sử dụng để chi lương, còn phải dùng để thanh toán các khoản chi phí trực tiếp cho công tác khám chữa bệnh, nên nhiều đơn vị khám chữa bệnh có nguồn thu không đảm bảo đủ để chi lương và chi thường xuyên.
Để hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh có nguồn thu chưa đủ để đảm bảo nhiệm vụ chi lương và chi thường xuyên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị HĐND tỉnh thống nhất bổ sung kinh phí cho Sở Y tế số tiền hơn 11,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế năm trước chuyển sang để thực hiện. HĐND tỉnh đã thống nhất phương án nói trên. Các TTYT sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí trên gồm: TTYT thị xã Hương Thủy, Bệnh viện Đa khoa Bình Điền; TTYT các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền và Phú Lộc.
Như vậy, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế có 9 TTYT huyện/thị xã/thành phố nhưng có 4 TTYT: Phú Vang, Phong Điền, TP Huế, Hương Trà không nhận được hỗ trợ. Qua tìm hiểu thực tế, thời gian qua, chất lượng y tế tại một số TTYT không nhận được hỗ trợ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ở tuyến cơ sở. Trong đó, TTYT huyện Phú Vang đạt nhiều tiêu chí, đứng đầu trong số 9 TTYT huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh về chất lượng khám, chữa bệnh. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo thì TTYT Phí Vang là nơi có môi trường y tế thân thiện, chất lượng khám chữa bệnh hiệu quả. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều bệnh nhân dù sinh sống tại huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy nhưng vẫn chọn TTYT Phú Vang để khám, chữa bệnh. Thực tế này đã giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đặc biệt Huế là địa phương có rất đông bệnh nhân ở miền Trung – Tây Nguyên đến để khám, điều trị bệnh.