Gia tăng các ca tử vong vì bệnh dại

Thứ Hai, 21/10/2024, 08:21

Liên tiếp các ca tử vong do bệnh dại gần đây đều chưa tiêm vaccine phòng sau khi bị chó, mèo cắn. Giá vaccine và huyết thanh kháng dại vẫn còn là số tiền lớn với nhiều người nghèo, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, nên nhiều người sau khi bị súc vật cắn đã không đi tiêm phòng vaccine và huyết thanh kháng dại, hoặc có đi nhưng tiêm không đủ mũi.

Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 80 ca tử vong vì bệnh dại, tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2024, nước ta đã có 65 ca tử vong vì căn bệnh này, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Tử vong sau 1 năm bị mèo cắn

Ca tử vong do bệnh dại mới đây nhất ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 14/10, nạn nhân tử vong sau 1 năm bị mèo cắn. Người tử vong là ông D.T.Đ (SN1974, trú tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú). Cách đây 1 năm, gia đình ông Đ nuôi 2 con chó và 1 con mèo (mèo hoang tự đến nhà ở). Đầu tháng 11/2023, trong lúc 2 con chó và con mèo đùa giỡn, cắn nhau, ông Đ đưa tay ra ngăn và bị con mèo cắn vào ngón tay, gây chảy máu. Tuy nhiên, nghĩ là mèo khoẻ, ông Đ chỉ rửa vết thương và không đi tiêm phòng bệnh dại.

Gia tăng các ca tử vong vì bệnh dại -0
Cần tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn. Ảnh minh họa.

Sau khi ghi nhận ca bệnh, ngành Y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ và phát hiện xung quanh nhà ông Đ có 19 con chó, 6 con mèo đều chưa tiêm phòng bệnh dại, chưa ghi nhận sự bất thường. Ông Đ là trường hợp tử vong vì bệnh dại thứ 3 tại tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay. 

Sau đó 1 ngày vào 15/10, Đắk Lắk cũng ghi nhận trường hợp tử vong thứ 6 do bệnh dại tính từ đầu năm đến nay tại tỉnh này. Nạn nhân tử vong là chị C.T.L (SN 1971, trú tại thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyên Cư Mgar), 2 tháng trước, chị bị chó nuôi trong nhà cắn vào cẳng chân. Do chủ quan nghĩ chó nhà nuôi nên chị L đã không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Hai tháng sau, chị L xuất hiện triệu chứng co giật, người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Do tình trạng nặng, tiên lượng tử vong nên gia đình xin cho bệnh nhân về và tử vong tại nhà. 

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm vì vô phương cứu chữa. Chỉ có vaccine mới có thể cứu bệnh nhân khỏi cái chết khi bị chó, mèo dại cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Đặc biệt, một số rất ít trường hợp tiêm không kịp khi bệnh nhân mới tiêm được 1-2 mũi vaccine đầu tiên thì đã tử vong do vết thương ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, virus tấn công vào não trước khi vaccine có hiệu lực. Vì vậy, người dân tuyệt đối không chủ quan.

Tuy nhiên, theo điều tra dịch tễ, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không đi tiêm vaccine dại do cho rằng bị chó, mèo nhà cắn và chó mèo không mắc bệnh dại, nên không cần tiêm. Có một số trường hợp tử vong oan khi tin và tìm đến thầy lang chữa dại chứ không đi tiêm phòng. Đặc biệt là trẻ nhỏ sau khi bị chó mèo cắn, nhiều em không nói với gia đình, lỡ mất cơ hội tiêm vaccine, gây nên những cái chết hết sức thương tâm.

Hỗ trợ tiêm miễn phí vaccine dại cho người nghèo

TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng Chương trình phòng, chống bệnh dại Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong 3 năm trở lại đây, số người bị tai nạn do động vật cắn tại Việt Nam tăng liên tục, tới 30-40%. Năm 2023, cả nước có 82 người tử vong vì bệnh dại, gần 700.000 người phải tiêm dự phòng vaccine và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Nguy cơ bệnh dại tại Việt Nam đang hiện hữu và rất cao. Do lượng người bị động vật cắn tăng nhanh chóng, trong khi công ty sản xuất vaccine cung ứng không kịp, trong thời gian qua có sự thiếu hụt vaccine trong thời gian ngắn, gây ra nguy cơ lớn cho đối tượng yếu thế.

Những địa phương có dịch dại bùng phát mạnh và nhiều ca tử vong trên toàn quốc gồm: Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Bến Tre, Tây Ninh, Long An và Hoà Bình. Trong suốt những năm qua, bệnh dại luôn đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau dịch sởi năm 2014, sau dịch COVID-19 năm 2021-2022. Công tác phòng chống bệnh dại đã kéo dài nhiều năm, nhưng dường như hiệu quả chưa cao.

Theo Cục Thú y, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện đang là 58%, tuy nhiên, một số tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng chó chưa đạt 30%. Đây là một trong những nguyên nhân khi chó dại còn trong cộng đồng, gây nguy cơ cao truyền bệnh dại sang người qua vết cắn, cào, liếm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn, chỉ tính riêng chi phí điều trị dự phòng bằng tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại là khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2023, có 700.000 ca tiêm vaccine kháng dại, chi phí gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chưa kể các chi phí khác như phẫu thuật thẩm mỹ, nạn nhân hoặc người nhà phải nghỉ làm để điều trị với những tổn thất do bị chó cắn còn rất lớn.

Với giá vaccine dại và huyết thanh kháng dại còn cao, nhiều người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa khó tiếp cận, liệu có giải pháp nào hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế được tiêm vaccine hay không? Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, năm 2021, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã phối hợp xây dựng Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại trên người giai đoạn 2022-2030, trong đó, có một điểm nhấn là đề nghị UBND các tỉnh xem xét, hỗ trợ vaccine dại miễn phí hoặc một phần cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ ở vùng nguy cơ cao. Chính vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia thì đây là chìa khoá cho UBND các tỉnh căn cứ để thực hiện phòng chống bệnh dại tại địa phương.

Trần Hằng
.
.
.