ECMO di động giành lại mạng sống cho nhiều sản phụ nhiễm COVID-19 nguy kịch
Ngày 28/11, sau 91 ngày hợp tác và kiên cường cùng với các y, bác sĩ đẩy lùi hội chứng suy hô hấp nguy kịch do COVID-19, sản phụ N.T.T.H (28 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đã thoát chết một cách ngoạn mục.
Bệnh nhân được xuất viện, được nhìn mặt đứa con mà chị đã sinh mổ cách đây hơn 3 tháng. N.T.T.H cũng chính là 1 trong 3 bệnh nhân được cứu sống thành công từ ứng dụng phương pháp Mobile ECMO (ECMO di động) tại Bệnh viện Quân y 175.
Theo chia sẻ của Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện (BV) 175, BV cũng đã dùng phương pháp ECMO di động đón nhiều sản phụ mắc COVID-19 nguy kịch từ bệnh viện phụ sản tuyến dưới chuyển về. Các bệnh nhân đều đã được cứu sống ngoạn mục, mẹ tròn con vuông.
Giải pháp ECMO (Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) là một kỹ thuật hỗ trợ tạm thời chức năng tim phổi bởi một hệ thống tim phổi nhân tạo. Đây cũng được coi phương án cuối cùng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Bình thường kỹ thuật ECMO chỉ được tiến hành tại chỗ, ở những nơi có đủ điều kiện trang thiết bị cơ sở vật chất, máy móc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh không thể chuyển đi, bắt buộc phải di chuyển cả ê kíp (con người, trang thiết bị, máy móc...) đến một nơi chưa thực hiện ECMO để làm. Đặc biệt là sản phụ sau sinh mắc COVID-19 nguy kịch khi bắt buộc phải vận chuyển liên viện từ tuyến dưới về Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 bệnh nhân nặng của Bệnh viện Quân y 175.
Ngày 27/8, sau khi thực hiện mổ bắt con được 8 ngày tại Bệnh viện Trưng Vương, chị N.T.T.H bị COVID-19 với diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Ngay khi nhận được đề nghị, Trung tâm điều trị COVID-19, BV Quân y 175 đã hội chẩn chuyên môn cùng BV Trưng Vương và Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc của thành phố, đồng thời cử ê kíp tới BV Trưng Vương tiến hành thực hiện ứng dụng hệ thống ECMO di động, hỗ trợ bệnh nhân ngay trong đêm.
Bệnh nhân N.T.T.H khi ấy trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch, rối loạn toan kiềm rất nặng, oxy máu giảm thấp, đồng thời thêm tình trạng suy đa cơ quan, phổi nhiễm trùng. Chính vì vậy bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO, bắt buộc khi chuyển viện, ê kíp BV 175 phải sử dụng ECMO di động.
Tính tới ngày bệnh nhân này được xuất viện là đã có 91 ngày đêm kiên cường chống chọi với căn bệnh suy hô hấp nguy kịch. Bệnh nhân cũng có 53 ngày được chạy máy ECMO tại Trung tâm điều trị COVID-19, BV 175.
Bác sĩ Ân nhận định, trên thực tế, quá trình thực hiện ECMO di động vận chuyển người bệnh nguy kịch cần thực hiện nhiều bước quan trọng, như: tiến hành hội chuẩn online tình trạng bệnh nhân, tình trạng cơ sở vật chất tại chỗ, nơi bệnh nhân đang điều trị.
Đồng thời lên phương án vận chuyển; sử dụng xe tiêu chuẩn cao, đầy đủ thiết bị, sạc pin ECMO phải đảm bảo tuyệt đối không xảy ra trục trặc gì trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Đội ngũ y, bác sĩ phải chuyên nghiệp, tập huấn nhiều lần, triển khai nhiều phương án.
Trong suốt quá trình chuyển bệnh, hệ thống máy móc đi cùng bệnh nhân phải đảm bảo hoạt động ổn định liên tục. Chỉ một sự cố nhỏ, bệnh nhân sẽ tử vong ngay.
Thực hiện ECMO di động đối với bệnh nhân thường đã khó, với bệnh nhân là thai phụ càng phức tạp hơn. Bản thân bệnh COVID-19 đã gây biến chứng huyết khối nhiều cơ quan trong cơ thể. Sản phụ sau sinh thường có thêm bệnh lý tăng đông, rối loạn đông máu sau sinh. Chính nguy cơ này góp phần thêm khó khăn và mức độ nguy hiểm khi thực hiện ECMO và ECMO di động.
Nếu điều chỉnh không chuẩn, máu đông sẽ làm tắc lưu thông, bệnh nhân sẽ tử vong lập tức. Nếu máu loãng thì bệnh nhân lại bị chảy máu ở vết mổ, không thể cầm máu. Trong quá trình triển khai ECMO, bệnh nhân này chảy máu rất nhiều.
Ekip các bác sĩ đã phải hai lần tổ chức phẫu thuật mở ổ bụng để kiểm tra những mạch máu lớn, triển khai khâu và cầm máu cứu bệnh nhân. Bệnh nhân dần ổn định, C02 thải ra được. Đây cũng là một trong những trường hợp thoát cửa tử gang tấc nhờ cải tiến ECMO tách đôi của y, bác sĩ BV Quân y 175.
Vấn đề “Huyết khối phổi” cũng gây ra nhiều thách thức. Trường hợp bệnh nhân L.T.T.T là một điển hình. Sau khi điều trị ECMO bệnh nhân cải thiện tốt nhưng bất ngờ xuất hiện huyết khối phổi và rơi vào tình trạng nguy kịch như ban đầu sau hơn mười ngày. Các y, bác sĩ Bệnh viện 175 quyết định tiến hành chạy ECMO lại lần hai cho bệnh nhân. Với sự quyết tâm của ê kíp, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch lần hai và phục hồi sau đó.
Được biết, số lượng bệnh nhân nặng chuyển tới Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng của BV 175 cần ECMO rất nhiều nhưng số lượng máy ECMO lại rất khan hiếm. Hiện Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và vừa, BV Quân y 175 chỉ có 3 máy ECMO, trong đó có dòng máy Terumo (có thể tách đôi được) có 2 máy.
Với sáng kiến tách đôi, với 3 máy hiện có, Trung tâm có thể chạy được ECMO cho 5 ca bệnh liên tục. Mục tiêu chính vẫn là ngăn chặn sự chuyển nặng, giảm thiểu nguy kịch, phấn đấu cao nhất, cứu nhiều nhất số lượng bệnh nhân nhất có thể.