Đau mắt đỏ hoành hành, nhiều người biến chứng nặng do tự điều trị

Thứ Bảy, 23/09/2023, 15:01

Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành tại nhiều địa phương với tỷ lệ lây lan nhanh, số ca mắc tăng mạnh. Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân bị biến chứng đau mắt đỏ đến khám gia tăng, đặc biệt là trẻ em bị viêm loét giác mạc, hoặc phải bóc giả mạc. Tình trạng "tự làm bác sĩ" cũng tăng cao trong đợt dịch này khi nhiều người bị đau mắt tự mua thuốc về tra, đến khi không đỡ, biến chứng mới tới viện.

Tới Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương vào sáng 21/9, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân tới khám vì đau mắt đỏ. Nhiều cháu bé được cả bố và mẹ đưa đi khám, có cháu quấy khóc không chịu khám, có cháu mắt sưng húp không mở nổi. Bế con trai 2 tuổi đang khóc ngằn ngặt, người mẹ trẻ ở Ninh Bình cho biết, cháu bị đau mắt đỏ cách đây 20 ngày, đã khám và điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ, mắt càng đỏ hơn. Tuần trước, gia đình đưa cháu lên Bệnh viện Mắt Trung ương khám thì được chẩn đoán loét giác mạc nhẹ, bác sĩ kê thuốc về nhỏ và hẹn tái khám sau 3 ngày.

"Sau 3 ngày tái khám, tình trạng giác mạc có ổ loét đã liền lại, cháu đang được duy trì thuốc để hàn gắn nhanh nhất có thể. Bác sĩ tuyến dưới cũng cẩn thận, nhưng đau mắt đỏ có nhiều biến chứng khó lường, cha mẹ không bảo đảm 100% tra thuốc được cho con đầy đủ vì các cháu còn nhỏ hay quấy khóc", BSCKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết. Đưa con từ Mỹ Hào (Hưng Yên) lên Bệnh viện Mắt Trung ương khám vào sáng 21/9 với một bên mắt sưng húp, vợ chồng anh Phạm Tuấn Mạnh cho biết, đây là ngày thứ 8 con anh bị đau mắt đỏ. Khi phát hiện con bị đau mắt, gia đình tự mua thuốc về tra, bệnh không đỡ mà còn chuyển biến nặng hơn và lây sang mắt còn lại. "Bác sĩ khám kết luận con bị đau mắt đỏ biến chứng, phải bóc giả mạc 3 lần. Cháu vừa bóc giả mạc xong, bây giờ về Hưng Yên, ngày kia lại lên bóc tiếp", anh Mạnh cho biết.

Đau mắt đỏ hoành hành, nhiều người biến chứng nặng do tự điều trị -0
Gia tăng trẻ em bị đau mắt đỏ, đến khám tại các bệnh viện.

Ba ngày trước phát hiện mắt con đau, chị Phạm Thị Minh (Gia Lâm, Hà Nội) chỉ tra nước muối sinh lý, nhưng mắt con ngày càng đỏ nên chị lại ra mua thuốc khác. Do mắt ngứa và đau nhức, cháu bé lấy tay dụi khiến mắt ngày càng sưng to. Khi đến khám, bác sĩ cho biết con đã bị loét giác mạc, phải bóc giả mạc, nếu không tuân thủ điều trị, mắt sẽ bị giảm thị lực, nhìn mờ. "Tôi chủ quan chỉ nghĩ con đau mắt bình thường, không ngờ lại nặng như vậy", chị Minh buồn rầu cho biết. Tại Khoa Khám bệnh, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ phải bóc giả mạc. Có phụ huynh con vừa bóc giả mạc xong, cầm ngay khăn tay để trong túi xách lau mắt cho con, mà không biết rằng khăn tay đó không đảm bảo vô trùng, lau vào mắt đang bị đau sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Theo BS Nguyễn Thị Mai Hương, tỷ lệ bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tăng hơn mọi năm. Năm nay, có nhiều biến chứng khó lường hơn, gây nặng hơn, tỷ lệ biến chứng từ 15-20%. Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày bệnh viện có từ 1.200 - 1.500 người đến khám các bệnh về mắt, trong đó khoảng 12-17% bị viêm kết mạc (đau mắt đỏ). BS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc cho biết, dịch đau mắt đỏ bắt đầu cách đây từ 2 tháng. Hằng năm, khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc cấp. Tuy nhiên, năm nay, dịch nặng và kéo dài hơn, hiện đã vào mùa thu nhưng dịch vẫn đang kéo dài.

"Dịch đau mắt đỏ cấp thường do virus gây ra, khi người bệnh bị nhiễm thì dịch tiết từ mắt và đường hô hấp chứa nhiều virus, khi dịch tiết bắn ra ngoài, sang người lành sẽ lây bệnh. Những người bệnh khi không hiểu cơ chế lây bệnh, ra ngoài cộng đồng ho, hắt hơi, dùng tay dụi mắt rồi cầm nắm vật dùng chung sẽ lây nhiễm cho người khác. Đó là nguyên nhân chính khiến dịch lây lan rộng trong cộng đồng", BS Cung cho hay. Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, khi bị đau mắt, nhiều bệnh nhân ra hiệu thuốc, nhân viên bán cho thuốc Tobrex về tra. Thuốc này nguy hiểm với trẻ em vì không làm bệnh giảm mà còn nặng hơn, có thể gây viêm loét giác mạc.

"Trẻ em và người lớn khi bị đau mắt đỏ sẽ khó chịu, hay có trạng thái chảy nước mắt, thường sử dụng giấy ăn hoặc khăn để chấm, lau. Sử dụng giấy ăn có thể nhiễm hóa chất, khăn lau cũng không đảm bảo vô khuẩn, chấm lên mắt gây bội nhiễm. Đây là sai lầm hay gặp của người dân. Nếu không để ý vệ sinh, ngoài nhiễm virus người bệnh còn bị nhiễm khuẩn", BS Hương cảnh báo.

Để vệ sinh mắt cho con và điều trị hiệu quả, BS Hương khuyến cáo bố mẹ mua gói gạc ngoài hiệu thuốc, sử dụng xong bỏ đi. "Trẻ em thường quấy khóc khó tra thuốc, hoặc nước mắt trôi hết thuốc vừa tra, nên bố mẹ phải cố gắng tra thuốc cho con đầy đủ. Trước khi tra thuốc cho con, bố mẹ phải rửa tay bằng xà phòng, vạch mi mắt dưới của con để tra vào đúng chỗ đó mới có hiệu quả", BS Hương khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.