Cứu sống một phụ nữ nguy kịch do ăn lá ngón
Sau 3 giờ ăn nhầm phải lá ngón, một phụ nữ 34 tuổi ở Hoà Bình phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.
Chiều 10/4, TS.BS Hoàng Công Tình, Khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, trước khi nhập viện 3 giờ, nữ bệnh nhân 34 tuổi ăn 5 chiếc lá ngón, sau 30 phút, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đau đầu, nhìn mờ, sụp mi mắt, yếu chân tay, đầu và cổ gập về phía trước không thể tự ngước lên.
Người nhà đã đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện sơ cứu và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
"Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, sụp mi mắt, yếu tứ chi, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Người bệnh nhanh chóng được đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch nâng huyết áp, gây nôn, bơm rửa dạ dày, dùng thuốc nhuận tràng, dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch. Trong chất nôn và dịch rửa dạ dày, có lẫn lá ngón bệnh nhân ăn trước đó", BS Tình cho biết.
Sau 6 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện.
BS Tình cho biết, theo người nhà, bệnh nhân ăn nhầm lá ngón. Ở nhiều tỉnh miền núi, tình trạng ăn nhầm lá ngon vẫn diễn ra; hoặc có nhiều trường hợp tự tử bằng lá ngón.
Cây lá ngón (còn gọi cây rút ruột) thuộc dòng họ cây mã tiền, chứa chất độc là alkaloid. Hoạt tính sinh lý của alkaloid rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây chết người.
Cây lá ngón thuộc họ cây leo, lá nhỏ (hình như lá trầu không nhưng mỏng), hoa màu vàng.
"Vì vậy, khi ngộ độc lá ngón, cần sơ cứu ban đầu (gây nôn, bơm rửa dạ dày) và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế", BS Tình khuyến cáo.