Cứu sống bé sơ sinh đầu tiên được phẫu thuật khi đang can thiệp ECMO

Thứ Tư, 20/10/2021, 17:45

Vừa sinh ra, bé trai ở Quảng Ninh đã được chẩn đoán mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh phức tạp. Đây là bé sơ sinh đầu tiên được phẫu thuật khi đang can thiệp kỹ thuật ECMO và được cứu sống.

Ngày 20/10, thông tin về ca bệnh trên, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: 2 giờ sau sinh, bé trai N.D (Quảng Ninh) được chẩn đoán mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh từ trong thời kỳ bào thai. Ngày 23/8, bé được mổ chủ động tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với cân nặng 2,6kg. Ngay sau đó bé được tiến hành đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở và chuyển thẳng đến Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương bé được chẩn đoán thoát vị hoành bẩm sinh bên trái, thiểu sản phổi nặng, kèm tăng áp lực động mạch phổi rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

TS. BS Đặng Ánh Dương - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa cho biết, ngay khi nhập viện, bé được hồi sức tích cực bằng thở máy thường, rồi chuyển thở máy cao tần, dùng các thuốc trợ tim, giãn mạch phổi nhưng tình trạng thiếu oxy, tăng CO2 và tụt huyết áp không đáp ứng. Trẻ phải dùng chất khí đặc biệt, đắt tiền, có tác dụng giãn mạch máu phổi chọn lọc để điều trị nhưng vẫn không đáp ứng. 

Cứu sống bé sơ sinh đầu tiên được phẫu thuật khi đang can thiệp ECMO -0
Bé trai sơ sinh khi còn được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh, các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp ECMO – tim phổi nhân tạo để cứu cháu bé.

Sau 2 ngày sử dụng ECMO, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật ngay tại buồng bệnh, trong khi vẫn đang hỗ trợ tim phổi nhân tạo, mục tiêu để đưa ruột từ lồng ngực xuống ổ bụng và khâu tái tạo cơ hoành bằng màng vá nhân tạo.

Tuy nhiên, ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bé xuất hiện chảy máu ở khoang màng phổi trái gây chèn ép tim và phổi phải. Bệnh nhi phải phẫu thuật lần 2 để cầm máu và lấy máu tụ trong khoang màng phổi.

3 ngày sau phẫu thuật lần hai, bệnh nhân không còn chảy máu nhưng có tình trạng tràn dịch màng phổi dưỡng chấp. Cháu bé tiếp tục được chăm sóc tích cực và nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch, điều trị chống nhiễm trùng và cho trẻ tập cai dần ECMO.

Kết quả sau 2 tuần chạy ECMO, phối hợp với các điều trị hỗ trợ tích cực khác, sức khỏe của cháu dần cải thiện, cai máy ECMO, chuyển sang thở máy. Sau đó, bé đã được rút nội khí quản, tự thở oxy qua mặt nạ.

Hiện sau hơn 1 tháng được chăm sóc đặc biệt, cháu bé tỉnh táo nhanh nhẹn và bú mẹ hoàn toàn, ra viện sau 52 ngày nằm điều trị trong niềm vui vô bờ bến của gia đình.

TS.BS Đặng Ánh Dương cho biết, thoát vị hoành bẩm sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết cơ hoành bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày và ruột non, lách.

Trung bình mỗi năm khoa Điều trị tích cực ngoại khoa tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân mắc bệnh lý thoát vị hoành bẩm sinh và tỷ lệ cứu sống khoảng 70%. Số bệnh nhân tử vong thường do trẻ đẻ quá non, có cân nặng thấp, các dị tật bẩm sinh khác kèm theo, hoặc trẻ có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi rất nặng, không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.  

BS Dương cho biết, bé N.D là trường hợp đầu tiên mắc thoát vị hoành bẩm sinh, suy hô hấp, tăng áp lực động mạch phổi nặng, được phẫu thuật khi đang hỗ trợ ECMO và được cứu sống, nếu không có hệ thống tim phổi nhân tạo này thì trẻ khó vượt qua được.

Trần Hằng
.
.
.