Cứu nam thanh niên khoẻ mạnh bị ngừng tim 5 lần

Thứ Ba, 16/05/2023, 14:58

Sau khi nội soi gây mê phế quản 20 phút, nam bệnh nhân 30 tuổi (Hoà Bình) bất ngờ ngừng tim không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân ngừng tim đến lần thứ 5 và xuất hiện phù phổi cấp, hôn mê sâu, nguy hiểm tới tính mạng mặc dù tiền sử khỏe mạnh.

Ngày 16/5, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), các bác sỹ của Bệnh viện này và Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp cấp cứu thành công nam bệnh nhân ngừng tim sau khi nội soi phế quản. Đây là một trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp và đặc biệt của ê kip bác sỹ 2 bệnh viện.

Trước đó, 9h sáng ngày 14/5, nam bệnh nhân SN 1993, trú tại TP Hòa Bình có chỉ định nội soi phế quản gây mê. Quá trình nội soi và sinh thiết hoàn toàn thuận lợi, bệnh nhân tỉnh, gọi hỏi đáp ứng tốt. 

Tuy nhiên, 5 phút sau, sức khoẻ bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu, Sp02 tụt, tay chân lạnh, huyết áp tụt… Các bác sĩ lập tức cho bệnh nhân thở oxy mask (mặt nạ), tăng cường thuốc vận mạch nhưng rất nhanh anh đã rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn ngay trước mắt ê kíp bác sĩ hồi sức.

Cứu nam thanh niên khoẻ mạnh bị ngừng tim sau khi nội soi phế quản -0
Ê kíp cấp cứu nỗ lực để nhịp tim của bệnh nhân đập trở lại. (Ảnh: BVCC)

Bệnh viện lập tức kích hoạt báo động đỏ, các bác sỹ và điều dưỡng tiến hành ép tim, đặt nội khí quản, sốc điện phá rung và dùng tối đa thuốc vận mạch.

Khoảng 20 phút sau tim bệnh nhân đập trở lại, các chỉ số ổn định hơn. Tuy nhiên, 10 phút sau, bệnh nhân lại ngừng tim, các bác sỹ và điều dưỡng lại tiếp tục ép tim, lại sốc điện, quá trình có mạch rồi mất lặp lại đến lần thứ 5, vận mạch điều chỉnh tăng đến liều tối đa.

Nửa tiếng trôi qua bệnh nhân có mạch trở lại nhưng rời rạc và có tình trạng toan chuyển hóa rất nặng, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực để thở máy. Sau đó bệnh nhân xuất hiện phù phổi cấp, tính mạng cực kỳ nguy hiểm. 

Các bác sĩ đã tính toán đến phương án chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai, nhưng quá trình di chuyển không có phương tiện lọc máu, trên đường có thể tử vong nếu nếu tiếp tục ngừng tim.

Do vậy, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã hội chẩn và được các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đồng ý cử một kíp gồm các chuyên gia hồi sức, trong đó chủ đạo là hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo) chạy ngược lên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để sẵn sàng ứng phó trong tình huống xấu nhất.

Đến 15h, nhóm chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, hệ thống máy ECMO được đặt và bắt tay vào cứu chữa bệnh nhân. 

Điều kỳ diệu xuất hiện, các chỉ số và kết của người bệnh đều chuyển biến tốt, các bác sĩ quyết định tạm dừng việc chạy ECMO và giám sát chặt chẽ các chỉ số, tiếp tục duy trì lọc máu.

Sau 24 giờ chạy đua với thời gian, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo bình thường, các chỉ số sinh tồn ổn định và đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân sẽ được cai máy thở và kết thúc lọc máu liên tục sớm.

Tr.Hằng
.
.
.