Cứ 10 ca vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức thì có 5 ca do uống rượu, bia

Thứ Ba, 13/02/2024, 14:24

Có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức vào trưa mùng 4 Tết, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, các ca tai nạn giao thông (TNGT) vào cấp cứu giảm nhiều.

Mọi năm, từ đêm 30 Tết trở ra, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận rất đông bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó số ca do TNGT chiếm hơn một nửa. Nhưng năm nay, vào trưa mùng 4 Tết, tại Khoa Cấp cứu, chúng tôi không gặp một ca tai nạn nào được đưa đến. Trong Khoa, vào các Tết năm trước, số giường cấp cứu đông chật, thì năm nay vắng hơn nhiều. 

Một nửa số ca cấp cứu tai nạn giao thông ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có uống rượu, bia -0
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức trưa mùng 4 Tết vắng số ca cấp cứu do TNGT.

Tuy nhiên, trong số các ca TNGT được cấp cứu, có nhiều ca nặng chấn thương sọ não, đa chấn thương… TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, Trưởng tua trực cấp cứu sáng mùng 4 Tết, cho biết: "Từ sáng đến giờ có 12 ca vào cấp cứu thì 10 ca là TNGT, trong đó một nửa số ca có nồng độ cồn trong máu".

Nguy kịch nhất phải kể tới nam bệnh nhân N.T.V (SN 1994, Nam Định) được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng sốc, đa chấn thương. “Bệnh nhân vào trong tình trạng bất tỉnh, phải dùng thuốc trợ tim. Đến hiện giờ bác sĩ đã duy trì được mạch, huyết áp, còn phải làm thêm các chụp chiếu khác, nhưng những thương tổn đã xác định từ tuyến dưới, theo đánh giá sơ bộ, bệnh nhân đang ở tình trạng rất nặng, nguy kịch”, BS Phúc cho hay.

Một nửa số ca cấp cứu tai nạn giao thông ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có uống rượu, bia -0
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang cấp cứu một nam bệnh nhân.

Theo Trưởng tua trực, xét nghiệm của bệnh nhân V từ tuyến dưới chuyển lên, nồng độ cồn trong máu rất cao, ở mức kịch khung. Bác sĩ hồi sức đang cố gắng cấp cứu và đánh giá lại toàn bộ hiện trạng, xem bệnh nhân có đáp ứng với điều trị hay không. Tuy bệnh nhân uống rượu từ mùng 3 Tết, nhưng đến hôm nay, nồng độ cồn trong máu vẫn cao, gây khó khăn cho cấp cứu.

Theo người nhà anh V cho biết, anh V làm nghề bán quần áo ở TP Hồ Chí Minh, mới về quê ăn Tết. Mùng 3 Tết anh đi liên hoan họp lớp, trong bữa tiệc có sử dụng rượu bia. Tới đêm muộn trên đường về, do say rượu nên không làm chủ được tốc độ và tự ngã, dẫn tới bị tai nạn nghiêm trọng. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, do tình trạng quá nặng, nam bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.

Cùng bị TNGT nặng có nữ bệnh nhân (SN 1969, Yên Bái) đi xe máy va chạm với ô tô vào mùng 3 Tết. Nữ bệnh nhân được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não, đa chấn thương rất nặng, hôn mê, tiên lượng nguy kịch. Sau khi điều trị 1 ngày không có tiến triển, trưa mùng 4 Tết, gia đình xin cho bệnh nhân về.

Một nửa số ca cấp cứu tai nạn giao thông ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có uống rượu, bia -0
Một ca cấp cứu được chuyển lên Khoa điều trị.

Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, sau 4 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận gần 500 trường hợp vào cấp cứu, trong đó TNGT hơn 100 ca, còn lại là tai nạn sinh hoạt (ngã cao do dọn bàn thờ, dọn nhà…), đánh nhau, pháo nổ… Theo ghi nhận của bệnh viện, cứ 10 ca vào cấp cứu TNGT thì có khoảng 4-5 ca có sử dụng rượu bia.

“Các ca vào cấp cứu giảm nhưng không phải giảm quá nhiều. Tuy nhiên, qua trực Tết nhiều năm, năm nay TNGT giảm hơn, số ca nặng giảm đi. Sau khi Chính phủ có Nghị định 100 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, đặc biệt Bộ Công an ra quân xử lý mạnh về nồng độ cồn, những trường hợp TNGT chấn thương sọ não nặng, đa chấn thương nặng đã giảm đi”, BS Phúc cho hay.

Một nửa số ca cấp cứu tai nạn giao thông ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có uống rượu, bia -0
Các bác sĩ luôn bận rộn với các ca cấp cứu nặng.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đã uống rượu bia, tuyệt đối không nên lái xe, để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của mình và mọi người.

Hiện Bệnh viện Việt Đức đã bố trí đủ các kíp trực, từ chấn thương sọ não, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, tiết niệu, thận với hàng trăm y bác sĩ ứng trực. Ngoài ra, còn có các chuyên gia sẵn sàng trực nghe điện thoại tham vấn hoặc vào trực tiếp bệnh viện để mổ cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Bệnh viện có kịch bản cấp cứu tai nạn, thảm họa hàng loạt như bố trí kíp trực cấp cứu tại bệnh viện nhưng sẵn sàng có 2 kíp cấp cứu ngoại viện để đáp ứng nhanh nhất khi có tai nạn hàng loạt hoặc hỗ trợ tuyến dưới.

Khi tuyến dưới có bệnh nhân nặng không thể chuyển được lên tuyến trên, bệnh viện sẵn sàng mở hội chẩn trực tuyến hỗ trợ chuyên môn theo yêu cầu. 

Trần Hằng
.
.
.