Chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thứ Ba, 25/04/2023, 07:52

Bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, biến thể XBB.1.5 của Omicron hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023) và đã được phát hiện ở 94 quốc gia.

Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành. WHO cũng đã xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1. Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).

Chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 -0

Tại TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày, trong tuần từ ngày 6/4/2023 đến ngày 12/4/2023 đã có 6 bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong hai ngày 12 và 13/4 đã ghi nhận 10 ca mắc mới. Hiện đang có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.

Nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra do các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đến tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp, phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV 2 lưu hành.

Về thu dung điều trị, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Song song với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; vận động người dân tiêm vaccin phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều; đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng.

Nhân viên y tế ở các cơ quan, công sở, nơi tụ tập đông người và đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông công nhân cần phải nâng cao cảnh giác, triển khai nhiều biện pháp để kịp thời phát hiện và đưa những người bị hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, tức ngực… đi kiểm tra y tế ngay, đồng thời những người tiếp cận gần cũng cần phải kiểm tra tương tự.

Đối với người dân làm việc tự do, người trong độ tuổi nghỉ hưu, người già… cần loại bỏ ngay tư duy cứ thấy mình có vấn đề liên quan đến sức khỏe thì tự tìm đến nhà thuốc mua về uống, mà phải tự theo dõi sức khỏe, nhận biết và phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như: sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, buồn nôn... nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm và chăm sóc điều trị kịp thời, tránh dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.

Đức Cương
.
.
.