Cảm ơn các y, bác sĩ Việt Nam đã hồi sinh cuộc đời tôi
Đây là lời nói đầu tiên khi tỉnh dậy sau nhiều ngày vật lộn với bệnh tật của những bệnh nhân người nước ngoài đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh.
Tại Khoa 7A - Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh hiện có trên 60 bệnh nhân nặng. Trong đó có 15 bệnh nhân thở máy, gần 30 bệnh nhân thở oxy dòng cao, còn lại là thở oxy mask.
Bác sĩ Phạm Minh Huy, Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đang quản lý Khoa 7A - Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, có những đêm, cả kíp trực hầu như bước chân không ngơi nghỉ, bởi các bệnh nhân chuyển đến đây đều nặng. Do đó, cần được xử lý một cách nhanh chóng với nỗ lực cao nhất, mong muốn bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh.
Ông Yokolo Bayyenda (người Congo, sinh năm 1957), sau gần 10 ngày điều trị tại đây, ông đã có thể ngồi dựa vào thành giường bệnh để trò chuyện. Thấy các y, bác sĩ lúc nào cũng vội vã chạy để điều trị cho các bệnh nhân, nước mắt hạnh phúc của ông lại trào ra. Đến TP Hồ Chí Minh làm việc đã lâu, đợt dịch này không may ông bị nhiễm COVID-19, ông đã cố gắng ăn uống để tăng sức đề kháng nhưng mỗi ngày diễn tiến bệnh càng nặng. Ông liên hệ với y tế địa phương đưa đi điều trị và ông được đưa vào Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh để cấp cứu. Đến nay sức khỏe ông đã phục hồi tốt, ông xúc động nói: “Cảm ơn các y, bác sĩ Việt Nam đã hồi sinh cuộc đời tôi”.
Một bệnh nhân COVID-19 nữa khi được các y bác sĩ ở đây cứu sống, ông đã nói: “Được tiếp tục sự sống là nhờ y tế và bác sĩ Việt Nam”. Mặc dù không biết nhiều tiếng Việt, nhưng trong thời gian điều trị tại bệnh viện, thấy được sự hy sinh vất vả của các y, bác sĩ, ông đã cố gắng học thuộc những từ cảm ơn bác sĩ Việt Nam...
Trực tiếp tham gia giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân COVID-19 là người nước ngoài, bác sĩ Phạm Minh Huy, quản lý Khoa 7A - Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ, nhưng chúng tôi kiên trì áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp để giải thích cho bệnh nhân hiểu. Điều quan trọng nhất là giúp họ không bỏ các phương tiện thở oxy. Sau đó là tuân thủ đúng các phác đồ điều trị của bệnh viện. Vì nếu hoảng loạn hay một sự không hiểu, bệnh nhân bỏ phương tiện thở oxy ra thì bệnh sẽ diễn biến xấu đi. Khoa chúng tôi từng nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân Trung Quốc và đang nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân người Congo,… đến nay cũng tiến triển tốt”.