Bình Dương thực hiện các biện pháp mạnh để khống chế dịch
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 49.833 ca mắc COVID-19, 402 bệnh nhân tử vong. Các khu điều trị của tỉnh đang điều trị 12.486 bệnh nhân, trong đó có 5.092 bệnh nhân tầng 1; tầng 2 có 6.848 bệnh nhân, tầng 3 có 546 bệnh nhân.
Từ ngày 2/8, Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2. Kết quả, các địa phương lấy mẫu test nhanh và PCR cho 346.370 người, có 8.394 trường hợp dương tính; kết quả triển khai lấy mẫu PCR cho 95.856 công nhân tại 99 công ty trong các khu công nghiệp, kết quả có 226 trường hợp dương tính.
Toàn tỉnh hiện có 1.247 khu vực phong tỏa với 125.500 người, 20.572 người đang cách ly tập trung, 4.699 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 986 trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Trước tình hình số ca nhiễm tăng cao, ngày 18/8 tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các chuyên gia y tế với 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh để bàn về các giải pháp ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; TS Dương Chí Nam - Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương chống dịch; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu COVID-19 tỉnh Bình Dương tham gia hội nghị.
Đánh giá về tình hình dịch COVID- 19 tại Bình Dương hiện nay, TS Dương Chí Nam, cho rằng, Bình Dương đang đi đúng hướng khi cố gắng tầm soát xét nghiệm diện rộng để tách người nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng, từ đó mở rộng vùng xanh.
Bình Dương hiện nay có 2 địa phương là Thuận An và Tân Uyên có tỉ lệ lây nhiễm COVID- 19 đang ở mức rất cao. Cụ thể, Thuận An là 12,7% và Tân Uyên là 3,6%. Ông Dương Chí Nam đề nghị TP Thuận An cần được khoá chặt, yêu cầu người dân tạm dừng tất cả hoạt động trong 1 đến 2 tuần và đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng tại đây. Đồng thời, chuẩn bị điều kiện xử lý tình huống nếu người nhiễm COVID-19 quá nhiều sẽ phải cách ly theo dõi tại nhà.
Với Thị xã Tân Uyên, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16+, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và đưa người nhiễm COVID-19 ra khỏi trong cộng đồng.
Đồng tình với đề xuất của TS Dương Chí Nam, các chuyên gia y tế từ Hải Phòng, Hải Dương đang hỗ trợ Bình Dương chống dịch lưu ý thêm công tác xét nghiệm cần thực hiện đúng thời gian quy định thì mới hiệu quả. Vì vậy, từ lấy mẫu, vật tư y tế đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn, công tác phối hợp giữa địa phương với các lực lượng phải được triển khai tốt hơn nữa.
Đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị hệ thống điều trị của tỉnh Bình Dương, đặc biệt bệnh viện dã chiến tầng 1 và tầng 2 phải bám sát bệnh nhân, phát hiện sớm các ca chuyển nặng, hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân phải tử vong. Đề nghị người dân bình tĩnh, không hoang mang và tin tưởng vào hệ thống chính quyền và ngành y tế Bình Dương. Hệ thống điều trị 3 tầng của Bình Dương đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng thông báo tin vui đó là việc cung cấp thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương cùng các nhà tài trợ rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho việc điều trị. “Hiện nay, Bình Dương không thiếu thuốc, nhiều vật tư, trang thiết bị y tế tốt nhất đang trên đường đến địa phương”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Về nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, trong điều kiện khó khăn về nhân lực y tế, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị hệ thống điều trị của Bình Dương phải bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế và tư vấn của Tổ công tác thường trực. Chủ động phân loại sớm người bệnh, rà soát người có thể được ra viện ở tầng 1 để tập trung nhân lực y tế cho tầng 2. Cho ra viện nhiều hơn ở tầng 1; tập trung nhân lực y tế về một địa điểm, mở rộng tầng 2; liên hệ chặt chẽ với tầng 3”.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định: “Tỉnh sẽ thực hiện biện pháp rất mạnh để khống chế dịch trong thời gian sớm nhất. Các ngành và địa phương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của chuyên gia về điều trị, xét nghiệm, kiện toàn củng cố lực lượng để thực hiện hiệu quả công tác “4 tại chỗ” trong chống dịch”.
Dịp này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương đã ủng hộ ngành y tế 5 tỷ đồng để mua thuốc và trang thiết bị y tế kịp thời cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19.