Bình Dương mạnh tay xử lý tin giả, tin sai sự thật

Thứ Ba, 17/08/2021, 12:00

Tin giả, tin sai sự thật xuất hiện khá nhiều trong thời gian xảy ra đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Bình Dương.

Tác hại của những thông tin này đã gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tạo nên sự hoài nghi về các chế độ, chính sách cho người dân nghèo khó chưa được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch. Tạo sự lo sợ không đáng có cho người dân khi tiêm chủng vaccine…

Ngày 17/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với ông N.V.H (ngụ phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) vì đăng thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.

Bình Dương mạnh tay xử lý tin giả, tin sai sự thật -0
Cơ quan chức năng làm việc với ông N.V.H. 

Trước đó, tài khoản Facebook tên “Hung Viet” của ông N.V.H đăng tải nội dung “nhà nước chi ngân sách xuống các địa phương cũng như những mạnh thường quân đóng góp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19 nhưng đã bị chính quyền địa phương cắt xén, người quen thì mới được nhận hỗ trợ còn những người khó khăn thật sự thì không được nhận”.

Tại buổi làm việc, ông N.V.H cho biết đã đọc thông tin trên mạng xã hội và copy, chỉnh sửa lại bài viết và đăng tải lên tài khoản cá nhân facebook của mình với nội dung nêu trên. Ông N.V.H thừa nhận những thông tin đăng tải của ông trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật, ông tự gỡ bỏ nội dung trên và cam kết không tái phạm.

Trước đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng bà N.T.T.H (ngụ phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chủ nhân của tài khoản Facebook “Hà Linh” đăng tin sai sự thật. Bà T.H đăng tải trên “Nhóm Hóng Hớt Bình Dương 24h” với nội dung là nhà nước có chỉ thị sẽ hỗ trợ cho toàn dân mỗi tháng 1,5 triệu đồng và kêu gọi người dân tìm hiểu và chia sẻ để gây áp lực buộc chính quyền địa phương phải thực hiện quy định. Qua làm việc, bà N.T.T.H cho biết bà đọc thông tin nói trên từ Facebook của bạn bè nhưng chưa tìm hiểu đã chia sẻ thông tin sai sự thật.

Bình Dương mạnh tay xử lý tin giả, tin sai sự thật -0
 Hệ thống tiếp nhận phản ánh qua Tổng đài 1022.

Một vụ việc khác, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng bảo vệ Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bình Dương lập biên bản xử lý bà T.T.C.N (quê quán Cà Mau) về hành vi bình luận, chia sẻ thông tin sai sự thật về tình hình COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bà C.N dùng tài khoản Facebook cá nhân “Thắng Hân” bình luận trên “Nhóm Hóng Hớt Bình Dương 24h” với nội dung nguyên văn: “Gán bu lại tiêm nhiều vào rồi chết chung cho vui An Phú tiêm vacxin chết mới có 6 người ak trong 1 gd tiêm vacxin chết 6 người” và “Thật mà em bên cj nè gd của ông chủ tiêm vàng ngta ik tiêm ngừa bệnh ai dè chết luôn”…

Nhằm tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, đảm bảo thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ. Tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới sự việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Trong trường hợp sở, ban, ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch có liên quan đến phạm vi quản lý để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó kịp thời phối hợp xác minh, thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật. Chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

Về tình trạng quấy rối Tổng đài 1022 và 115, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cho biết, từ khi Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh, hàng ngày Tổng đài 1022 tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi từ tổ chức, cá nhân liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Mặc dù số lượng nhân sự trực tổng đài đã được bố trí tăng gấp nhiều lần so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng so với lượt gọi yêu cầu, khiến nhiều người không thể gặp được tổng đài viên.

Nguyên nhân là do xuất hiện khá nhiều cuôc gọi nhá máy, quấy rối hoặc phản ánh thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Từ đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương chỉ đạo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với lực lượng Công an làm việc với các doanh nghiệp viễn thông tiến hành xác minh, tổng hợp danh sách thông tin các chủ thuê bao quấy rối Tổng đài 1022 tỉnh Bình Dương và số điện thoại khẩn cấp 115 để khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng khuyến cáo người dân có thể sử dụng các kênh tiếp nhận khác của Tổng đài 1022 để phản ánh như: Zalo, Facebook, Email, App… thay vì phải chờ gọi trực tiếp cho tổng đài.

 

Phương Tuyền
.
.
.