Bệnh viện 199 triển khai thành công kỹ thuật truyền ối cho sản phụ đầu tiên tại miền Trung
Ngày 24/7, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) thông tin, đơn vị vừa triển khai thành công kỹ thuật y khoa tiên tiến - kỹ thuật truyền ối, chọc ối cho 2 sản phụ khác nhau.
Theo đó, sản phụ 42 tuổi, người Cơ Tu (tỉnh Quảng Nam) hiếm muộn, mong con 4 năm, mang thai con so bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sản phụ được theo dõi từ đầu thai kỳ tại Bệnh viện 199. Sàng lọc trước chuyển phôi, sàng lọc Quý I bình thường.
Tại thời điểm 12 tuần, bệnh nhân biểu hiện mệt nhiều, huyết áp 140/90 mmHg, Doppler động mạch tử cung bệnh lý 2 bên, xét nghiệm tiền sản giật nguy cơ cao, được điều trị dự phòng với Aspirine. Bệnh nhân được siêu âm lại ở tuần thai 20-22 và 26 tuần, động mạch tử cung bất thường, được tư vấn tiếp tục duy trì Aspirine đến hết 34 tuần.
Đáng chú ý, tại thời điểm 28 tuần, các bác sĩ phát hiện sản phụ có tình trạng thiếu ối, thai chậm tăng trưởng, tiền sản giật, bệnh nhân nhập viện và tiêm trưởng thành phổi. Và thời điểm thai 32 tuần, bệnh nhân đã đi khám tại một cơ sở y tế khác với chẩn đoán tương tự và được chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Gửi gắm niềm tin nơi đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện 199, sản phụ quay lại tái khám kiểm tra và được bác sĩ chẩn đoán: Thai con so 32 tuần, thiếu ối, tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng, chỉ số ối thấp. Sau khi cân nhắc và hội chẩn với bác sĩ chuyên gia BS.CKII Trương Quốc Việt, chuyên gia đã chỉ định tiến hành truyền ối cho bệnh nhân.
Sau khi truyền 650 ml Ringer Lactate vào buồng ối, chỉ số ối tăng lên 15 cm (trước truyền là 4cm), khoang ối rộng rãi, thai cử động dễ dàng hơn. Chưa ghi nhận bất thường mẹ và thai nhi sau 3 ngày theo dõi tại phòng hậu phẫu.
Đến thời điểm 37 tuần, bệnh nhân vỡ ối tự nhiên, tiến hành mổ cấp cứu với chẩn đoán: Thai con so 37 tuần vỡ ối sớm, thụ tinh trong ống nghiệm, ngôi ngang, mẹ lớn tuổi, tiền sản giật, thai chậm phát triển. Các bác sĩ bắt ra 01 bé trai, kèm bóc u xơ tử cung mặt trước, cân nặng 2300 gram, dây rốn và bánh rau nhỏ. Tình trạng sức khỏe bé hồng hào, bú tốt, có hậu môn, không dị tật.
Trước đó 1 ngày, các bác sĩ Đơn vị Phụ sản – Nhi (Bệnh viện 199) cũng thực hiện thành công ca chọc ối cho sản phụ 29 tuổi, mang thai con so 17 tuần, xét nghiệm ra hội chứng Down, độ mờ da gáy dày 3.5 mm.
Có thể nói, nhờ kỹ thuật truyền ối nên sản phụ có thể kéo dài tuổi thai, giúp bé cải thiện hô hấp. Còn kỹ thuật chọc ối không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường di truyền và các vấn đề về nhiễm sắc thể của thai nhi mà còn cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của em bé.
Theo BS.CKII Trương Quốc Việt, truyền ối và chọc ối đều là những kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Đây là ca truyền ối đầu tiên thực hiện thành công tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Hiện tại đây còn là một kỹ thuật mới, chưa được triển khai rộng rãi ở các Bệnh viện tại khu vực miền Trung.