Bệnh viện 19-8 tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán sớm ung thư phổi
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 với tỷ lệ mắc mới khoảng 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong 24.000 ca hàng năm ở cả 2 giới, chỉ sau ung thư gan. Tỷ lệ trẻ hoá ung thư phổi ngày càng gia tăng, có người chỉ 30-40 tuổi đã mắc phải căn bệnh này.
Đặc biệt, vẫn còn rất nhiều người khi phát hiện ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, tốn kém, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 10%. Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến nhất trong chẩn đoán ung thư phổi từ chuyên gia Nhật Bản, mang đến rất nhiều hy vọng và cơ hội cho người bệnh.
Phát hiện hạch trung thất chỉ 1mm
Chia sẻ tại Hội thảo “Nội soi siêu âm phế quản EBUS trong chẩn đoán và thực hành trên mô hình” do Bệnh viện 19-8 tổ chức ngày 17/9, TS.BS Đinh Thị Hòa, Trưởng Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện 19-8 cho biết, nếu như 15 năm trước, cứ 10 ca vào khám hô hấp, phát hiện 1-2 ca bị ung thư phổi đã là nhiều, thì nay, tỷ lệ này là 5/5, thậm chí lên tới 7/10 ca.
Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện 19-8 trung bình một ngày có khoảng 100 lượt người tới khám, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về phổi sau đại dịch COVID-19 vào viện càng gia tăng, đặc biệt là ung thư phổi. Bệnh nhân ung thư phổi cũng ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ nữ mắc ung thư phổi tăng so với trước đây. Khoa Nội hô hấp luôn kín giường bệnh, gần như phải ghép giường. Trưởng Khoa Nội hô hấp chia sẻ thêm, ung thư phổi là vấn đề rất nhức nhối, đòi hỏi các bác sĩ lâm sàng phải cố gắng chạy đua với thời gian để chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm hơn cho bệnh nhân. Hiện nay, tất cả kỹ thuật mới, tiên tiến nhất của y học thế giới đều xoáy sâu vào xâm lấn tối thiểu để làm sao giúp ích được cho người bệnh, đặc biệt chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm.
“Bệnh viện 19-8 mời TS.BS Masao Hashinmoto, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trung tâm Quốc gia về sức khoẻ và Y khoa toàn cầu (Nhật Bản) đến để chuyển giao kỹ thuật nội soi siêu âm EBUS trong chẩn đoán, thực hành trên mô hình. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ Việt Nam sinh thiết được hạch trung thất rất nhỏ dưới 1mm, đặc biệt những bệnh lý về hạch lao mà những biện pháp thông thường không tiếp cận được. Điều này mang lại rất nhiều ý nghĩa cho các bác sĩ lâm sàng trong việc định hướng chẩn đoán ung thư phổi, đặc biệt là chẩn đoán sớm ung thư phổi, đánh giá giai đoạn ung thư phổi, giúp tiên lượng điều trị cho bệnh nhân”, TS Đinh Thị Hòa cho hay.
Nội soi siêu âm phế quản EBUS là kỹ thuật hiện đại nhất trong y học thế giới hiện nay, phát hiện được hạch trung thất chưa đến 1mm, khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng. Điều này giúp bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 1), mang đến rất nhiều triển vọng kéo dài tuổi thọ.
“Hiện tại chúng tôi đã làm rất tốt, cử kíp bác sĩ sang Nhật đào tạo để có chứng chỉ, về triển khai trực tiếp trên bệnh nhân. Kỹ thuật này giảm thiểu tai biến của những thủ thuật mà lâu nay vẫn làm, còn mang lại hiệu quả tốt như sau khi lấy bệnh phẩm ra, đọc tiêu bản ngay tại chỗ, định hướng được các nhóm hạch để chẩn đoán giai đoạn bệnh rất sớm. Ngoài ra, qua nội soi siêu âm có thể hoá phẫu đông tại khối u, hiệu quả tốt, ít tai biến toàn thân”, TS Đinh Thị Hoà chia sẻ.
Nhiều tiến bộ trong điều trị, kéo dài sự sống
Theo TS Đinh Thị Hoà, với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện 19-8, đặc biệt là điều trị đa mô thức đã giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ hơn rất nhiều, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước đây, mắc ung thư phổi, tiên lượng sống thấp hơn, có người chỉ sống được 3 tháng, 6 tháng, thậm chí 1 tháng. Nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của y học, ung thư phổi được chẩn đoán sớm, có nhiều phương pháp điều trị có thể kéo dài sự sống cho người bệnh lên 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm. Tại Bệnh viện 19-8 đã triển khai điều trị ung thư phổi rất hiệu quả bằng các liệu pháp miễn dịch, điều trị đích, hóa xạ trị phối hợp với phẫu thuật (tùy giai đoạn), hóa trị kết hợp miễn dịch khi đã di căn… mang lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện 19-8, hầu hết những bệnh nhân ung thư phổi tới Bệnh viện 19-8 được chẩn đoán khi đã có hạch. Nhờ tiến bộ về chẩn đoán, nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, điều trị rất hiệu quả. Điển hình là một bệnh nhân nam, 56 tuổi, chẩn đoán ung thư phổi, xét nghiệm gene không có đột biến, các bác sĩ đã tiến hành điều trị hoá chất. Sau 3 đợt truyền, khối u đã nhỏ đi và sau 6 lần truyền, kích thước khối u đã nhỏ hơn. Hay trường hợp khác là bệnh nhân nam 36 tuổi, mắc ung thư biểu mô tuyến phổi, sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đã lựa chọn thuốc điều trị đích. Sau 6 tháng sử dụng thuốc, khối u bay hoàn toàn, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u đã trở về bình thường.
Trước đây, bệnh nhân ung thư phổi di căn não điều trị sống vài tháng là khó khăn, nhưng giờ đây, tại Bệnh viện 19-8, có bệnh nhân 8 năm vẫn sống. Ca bệnh mới đây là nữ, 45 tuổi, mắc ung thư phổi biểu mô tuyến, khi phát hiện đã có tổn thương di căn não, được sử dụng thuốc đích thế hệ thứ 3. Sau 3 tháng chụp lại tổn thương não, khối di căn đã bay hết, vì vậy không phải làm thêm xạ trị.
Theo TS.BS Đinh Thị Hoà, người mắc ung thư phổi giai đoạn 4 không phải “mọi cánh cửa đều khép lại”, mà với điều trị đa mô thức hiện nay, đặc biệt là công nghệ điều trị đích, nhiều người đã được kéo dài tuổi thọ. Vì vậy, ngay cả khi phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn 4, người bệnh cũng không được từ bỏ điều trị. “Trong tương lai chúng tôi sẽ làm chủ kỹ thuật siêu âm nội soi EBUS, giúp chuẩn đoán sớm và điều trị sớm, đặc biệt cho bệnh nhân ung thư phổi, sẽ hạn chế giai đoạn 3-4 mới phát hiện ra bệnh. Để làm được điều này, người dân nên tầm soát bệnh từ 3-6 tháng, nếu có các bệnh liên quan đến bệnh lý hô hấp, đặc biệt dấu hiệu sớm của ung thư phổi thì đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám”, TS Hoà khuyến cáo.