Thêm nhiều cơ hội cho người nghèo được điều trị ung thư phổi bằng kỹ thuật mới nhất

Thứ Sáu, 08/09/2023, 17:24

Nếu như trước đây, bệnh nhân ung thư phổi có thể phải cắt hoàn toàn lá phổi, nhưng bằng kỹ thuật hiện đại nhất, khó nhất vừa được triển khai tại Việt Nam, các bác sĩ giữ được thùy trên của phổi cho người bệnh, tỷ lệ tái phát sau 5 năm thấp hơn, chi phí phẫu thuật rẻ hơn hàng chục lần so với ra nước ngoài.

Tại Hội thảo “Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật lồng ngực” do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức ngày 8/9 với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Fukuoka (Nhật Bản) và các bệnh viện đa khoa, bệnh viện Phổi, bệnh viện Lao và bệnh Phổi trên cả nước, TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi, đặc biệt là ung thư phổi – một trong những kỹ thuật khó nhất và yêu cầu cao nhất hiện nay đã được thực hiện tại Bệnh viện Phổi Trung ương dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản.

Ca mổ vừa được thực hiện trên bệnh nhân nữ 49 tuổi, bị ung thư phổi. Trước đây, bệnh nhân có thể phải cắt cả lá phổi, nhưng bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản, bệnh nhân giữ được thuỳ trên của phổi trái, tạo hình khí phế quản và mạch máu qua phẫu thuật nội soi lồng ngực. “Đây là kỹ thuật hiện đại nhất, khó nhất trong ngành y học của nhân loại đến thời điểm hiện nay”, TS Lượng cho biết.

Thêm nhiều cơ hội cho người nghèo được điều trị ung thư phổi bằng kỹ thuật mới nhất -0
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Nhật Bản đã phẫu thuật thành công kỹ thuật phức tạp, hiện đại nhất của ngành y học nhân loại.

So với kỹ thuật can thiệp mổ cho bệnh nhân ung thư phổi trước đây, kỹ thuật mới này đạt kết quả cao hơn. Việc làm chủ được kỹ thuật phức tạp này sẽ mang lại cơ hội sống thêm và có thể là lựa chọn cuối cùng cho người bệnh ung thư phổi giai đoạn nặng.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, với kỹ thuật mới này, sau 5 năm bệnh nhân không có khả năng tái phát khoảng 8-9% (trước kia là 5-6%). Bằng kỹ thuật nội soi xâm lấn, chấn thương ít nên người bệnh phục hồi rất nhanh.

Thêm nhiều cơ hội cho người nghèo được điều trị ung thư phổi bằng kỹ thuật mới nhất -0
Chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Fukuoka (Nhật Bản) chia sẻ kiến thức cho các bác sĩ Việt Nam tại hội thảo.

Hiện nay, nếu bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, chi phí cho một ca phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trên thế giới có giá khoảng 5-7 tỷ đồng, nhưng tại Việt Nam chi phí giống như một ca mổ bình thường, chỉ bằng 1-2% so với nước ngoài. Với chi phí thấp hơn, chất lượng dịch vụ y tế tốt, nhiều bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa có thể được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.

Phẫu thuật lồng ngực nói chung ở Việt Nam và Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng đã đạt được nhiều tiến bộ, nhiều kỹ thuật thực hiện như các nước trong khu vực và các nước phát triển.

Các bác sĩ Việt Nam cho biết, đây là cơ hội vô cùng quý báu khi họ được cập nhật kiến thức chuyên môn, hiểu biết về lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực từ chia sẻ của các giáo sư đến từ Bệnh viện Đại học Fukuoka, đặc biệt về phẫu thuật tạo hình phế quản trong điều trị bệnh lý ác tính; phẫu thuật robot tại Nhật Bản; ghép phổi tại Bệnh viện Fukuoka... chinh phục những đỉnh cao khoa học kỹ thuật, nhằm mang đến những cơ hội sống khoẻ mạnh cho người dân Việt Nam.

Trần Hằng
.
.
.