Bao giờ người dân mới thoát cảnh “ôm cả đống” giấy tờ khi đi khám bệnh?

Chủ Nhật, 10/12/2023, 07:07

Theo Thông tư 46 của Bộ Y tế, lộ trình đến hết năm 2023 các cơ sở khám chữa bệnh hạng I nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai bệnh án điện tử. Nhưng đến nay, mới chỉ có gần 60/1.300 cơ sở y tế trên cả nước bỏ bệnh án giấy chuyển sang bệnh án điện tử.

Sau 5 năm triển khai Thông tư 46, tốc độ bỏ bệnh án giấy chuyển sang bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là rất chậm.

Theo báo cáo, trong số gần 60 cơ sở y tế bỏ bệnh án giấy thì khoảng một nửa là bệnh viện tuyến huyện. Phú Thọ là địa phương dẫn đầu với 17 cơ sở bỏ bệnh án giấy, trong đó có 11 trung tâm y tế huyện. Quảng Ninh là tỉnh thứ hai trên cả nước có bệnh viện công lập dùng bệnh án điện tử. Hà Nội có hơn 40 bệnh viện công lập nhưng mới chỉ có 4 bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử.

Bao giờ người dân mới thoát cảnh “ôm cả đống” giấy tờ khi đi khám bệnh? -0

Rất ít các bệnh viện hạng I bỏ bệnh án giấy, đặc biệt chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào chuyển sang bệnh án điện tử. Vì sao các bệnh viện này lại chưa “mặn mà” với bệnh án điện tử? Ở những bệnh viện hạng đặc biệt, trung bình mỗi ngày có từ 8.000-12.000 bệnh nhân đến khám chữa bệnh, lượng hồ sơ, giấy tờ in ấn một ngày là rất lớn. Đặc biệt, ở các bệnh viện này, nếu triển khai bệnh án điện tử, người dân đi khám chữa bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên không phải cầm theo tất cả giấy tờ, kết quả chụp chiếu, xét nghiệm bởi mọi dữ liệu đã dễ dàng liên thông.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông ty y tế quốc gia Bộ Y tế cho rằng, nhiều bệnh viện gặp khó khăn do mức kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số, bệnh án điện tử khá lớn, trong khi hiện thiếu cơ chế tài chính cho công nghệ thông tin nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng. Thay vì các yếu tố này được tính vào cơ cấu giá dịch vụ y tế thì hiện nguồn lực đầu tư phải được bù đắp từ các nguồn khác, bệnh viện thiếu chủ động.

Còn PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho hay, hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều bệnh viện thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được triển khai bệnh án điện tử. Ngoài ra, còn thiếu tiêu chuẩn và hướng dẫn, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế.

Cùng với triển khai bệnh án điện tử để rút ngắn thời gian khám chữa bệnh cho người dân, theo Bộ Y tế, Bộ tiến tới áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử. Hiện nay, trong đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế đang xúc tiến chuẩn bị phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng các giấy tờ chuyển tuyến, khám lại vào hệ thống VssID hoặc VNelD, người bệnh chỉ cần điện thoại, mã BHYT, mã giấy chuyển tuyến khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên được chuyển đến trình ra là có thể khám chữa bệnh. Các bệnh viện thực hiện ký số thay cho ký giấy thông thường.

Để làm được việc này, cần phải số hoá việc quản lý sức khoẻ người dân, cung cấp thông tin chuyển tuyến cũng như công khai các danh mục chuyên môn kỹ thuật… Đây cũng là giải pháp để người bệnh biết được thông tin và cơ sở khám chữa bệnh, thuận lợi hơn trong việc chuyển tuyến, giảm tối đa các phiền hà cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số bệnh viện triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân, thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh nhân đến khám chỉ cần mang căn cước công dân gắp chíp đã tích hợp thẻ BHYT giúp người bệnh không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, tiết kiệm được thời gian làm thủ tục. Còn nhìn chung tiến độ triển khai bệnh án điện tử còn rất ì ạch.

Trần Hằng
.
.
.