Bệnh án điện tử: Vì sao triển khai quá chậm?

Chủ Nhật, 20/08/2023, 06:15

Theo lộ trình của Bộ Y tế, các bệnh viện hạng I trở lên hết năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử, nhưng đến nay mới chỉ có 50 cơ sở y tế thực hiện. Ngay như Hà Nội, cũng mới có 4/40 bệnh viện triển khai.

Ông T.S.H (Hạ Long, Quảng Ninh) bị đau tức bụng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám bệnh BHYT. Sau khi nội soi dạ dày, đại trực tràng, ông được kết luận loét hành tá tràng và sinh thiết thực quản do có nghi ngờ. 3 ngày sau có kết quả sinh thiết lành tính, nhưng lo lắng, ông lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kiểm tra lại.

“Bác sĩ Việt Đức yêu cầu tôi đưa các kết quả khám, nội soi ở tuyến dưới, nhưng tôi nói không có, chỉ được bác sĩ khám thông báo kết quả bằng miệng. Con gái tôi phải gọi điện về bệnh viện tỉnh, bác sĩ giải thích đây là bệnh án điện tử, không còn bệnh án giấy, sau đó gửi kết quả qua Zalo cho con tôi. Rất may Bệnh viện Việt Đức đã chấp nhận kết quả ở tuyến dưới, tôi không phải khám xét hay chụp chiếu gì, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc về uống”, ông Hoà cho biết.

bệnh án.jpg -0
Hàng chồng bệnh án giấy không phải tìm nơi lưu trữ nếu được thay thế bởi bệnh án điện tử.

Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chính thức áp dụng chữ ký số và bệnh án điện tử thay bệnh án giấy từ năm 2020. Theo BS Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, đây là một trong 10 bệnh viện đầu tiên trên cả nước áp dụng bệnh án điện tử. Đến nay, 100% các loại giấy tờ có điều kiện đã được số hoá, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được ký số liên thông kết quả đến cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cùng với đó là các tiện ích hỗ trợ người bệnh được triển khai như: Đặt lịch khám và tra cứu kết quả trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ki ốt thông minh…

“Với người cao tuổi, không sử dụng điện thoại thông minh như tôi, bác sĩ khám phải thông báo cho tôi biết nếu muốn lấy kết quả phải vào phần mềm hay trang mạng nào. Tôi chỉ biết kết quả khám của mình qua bác sĩ nói, còn cụ thể các chỉ số, hình ảnh như thế nào đều không biết. Khi lên tuyến trên rất lúng túng nếu bác sĩ hỏi kết quả khám ở tuyến dưới”, ông Hoà băn khoăn.

Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, địa phương này còn có 2 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Đây là tỉnh thứ 2 (sau Phú Thọ) triển khai bệnh án điện tử ở bệnh viện công lập nhiều nhất cả nước. Bệnh án điện tử là mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội, không cần dùng giấy tờ, sổ sách, mọi quy trình được số hoá toàn bộ, người bệnh giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi, giảm chi phí, nhân lực, mang lại độ chính xác cao.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tốc độ chuyển đổi từ bệnh án, hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử tại các bệnh viện hiện quá chậm. Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Ngay tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đến ngày 28/7 năm nay mới chính thức triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.

Hà Nội có 40 bệnh viện công lập nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử gồm 2 bệnh viện hạng I là Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội và 2 bệnh viện hàng II là Mỹ Đức, Vân Đình. Theo người dân phản ánh, mỗi lần đến Bệnh viện Tim Hà Nội khám, người bệnh lếch thếch mang theo nhiều loại giấy tờ chụp chiếu, xét nghiệm, bệnh án…

Theo Bộ Y tế tới giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến nay, trong số 50 cơ sở y tế thực hiện bệnh án điện tử, khoảng một nửa là tuyến huyện. Trong danh sách đã triển khai cũng không có nhiều bệnh viện hạng I, đặc biệt chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào thực hiện (Việt Đức, Bạch Mai, K, Trung ương Quân đội 108, Trung ương Huế…). Đến nay, mới có 2 bệnh viện trực thuộc Bộ và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học triển khai bệnh án điện tử gồm: Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Đa khoa Nông nghiệp, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Theo các bệnh viện, để triển khai bệnh án điện tử, cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực… Trong khi nguồn này rất khó khăn với các bện viên tự chủ, vì chi phí cho công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, nên nhiều nơi vẫn còn “loay hoay” xoay xở vốn.

Trước việc triển khai bệnh án điện tử còn quá chậm, Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 46/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.

Như vậy, so với Thông tư cũ các bệnh viện hạng I trở lên được lùi thời hạn 2 năm để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Lùi thời hạn 2 năm để các bệnh viện triển khai, nhưng muốn thực hiện được, ngoài quyết tâm vào cuộc của bệnh viện, còn là sự quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí của các địa phương, trung ương, thì mới mong năm 2025 triển khai được trên toàn quốc.

Trần Hằng
.
.
.