Bao giờ hết tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng?
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh diễn ra tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế đã sử dụng nguồn vaccine được viện trợ phân bổ cho các địa phương để tiêm cho trẻ. Song theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng lại cạn kiệt.
Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm và hậu quả là trẻ bị tàn phế, thậm chí tử vong.
Vào tháng 5/2023, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phản ánh các cơ sở tiêm chủng đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ). Cùng với đó, nhiều địa phương trên cả nước cũng cạn kiệt vaccine tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân khiến nguồn cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn từ đầu năm 2023 đến nay do thay đổi về cơ chế mua vaccine. Mọi năm, vaccine tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm nhiệm mua sắm, phân bổ về các địa phương. Nhưng khi kết thúc chương trình mục tiêu y tế - dân số, việc mua vaccine trong chương trình được giao về cho các địa phương đấu thầu, mua sắm. Mặc dù Bộ Y tế đã sử dụng nguồn vaccine 5 trong 1 từ các nguồn viện trợ để phân bổ cho các địa phương, nhưng đến tháng 10/2023, TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục thông báo chỉ còn đủ vaccine tiêm chủng mở rộng trong 2 tuần.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách Trung ương để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngày 10/7, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến nay sau 4 tháng được sự đồng ý phân bổ ngân sách Trung ương để mua vaccine tiêm chủng mở rộng, nhưng việc cung ứng vẫn bị gián đoạn, nhiều trẻ em đứng trước nguy cơ bỏ lỡ tiêm chủng.
Tại Hà Nội, tính đến tháng 10/2023 mới chỉ đáp ứng 8/11 loại vaccine tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi. Hơn 570 cơ sở tiêm chủng công lập ở Hà Nội vẫn còn đang thiếu 3/11 loại vaccine gồm vac_cine 3 trong 1 DPT, vaccine phòng sởi và vaccine viêm gan B. Trẻ muốn tiêm vaccine buộc phải đợi hoặc lựa chọn tiêm dịch vụ. Với vaccine 5 trong 1 cũng chỉ còn đủ tiêm đến tháng 12. Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu vaccine không đáp ứng kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ trong thời điểm dịch bệnh khó lường như hiện nay. Theo báo cáo của Phòng Nghiệp vụ Dược và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 21/11, trên địa bàn TP đã không còn các vaccine DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), IPV (bại liệt tiêm), DPT-VGB-Hib. Các vac_cine khác còn lại rất ít, chỉ đủ dùng trong một hoặc vài ngày tới (sởi, lao), MR (rubella), uốn ván, viêm não Nhật Bản.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể được cung ứng trở lại là cuối tháng 11/2023, còn các vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12/2023. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, nếu chậm vaccine 1-2 tháng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, tuy nhiên nếu kéo dài rất nguy hiểm nên cần nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong mua sắm vac_cine. Trước đây, cũng đã có những đợt dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như sởi, bạch hầu, ho gà…Ngoài ra, còn để lại hệ lụy lớn hơn là người dân mất lòng tin về hệ thống tiêm chủng mở rộng khi đây vốn là chương trình ý nghĩa mà ngành y tế đã mất nhiều năm để xây dựng được. Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai với 11 loại vaccine phòng bệnh cho trẻ. Hầu hết các vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, có 2 loại nhập khẩu là vaccine 5 trong 1 và vaccine phòng bại liệt tiêm. Theo Bộ Y tế, vaccine phòng bại liệt tiêm vẫn đang được GAVI (Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng) hỗ trợ. Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 phải thực hiện theo thủ tục đấu thầu mua vaccine và nhập khẩu theo quy định. Vì vậy thời gian cung ứng phụ thuộc nhất định vào nhà sản xuất nước ngoài và đơn vị trúng thầu. Với các vaccine trong nước sản xuất, Bộ Y tế căn cứ vào đề xuất nhu cầu số lượng của các địa phương năm 2023 và gối đầu đến tháng 6/2024 để đặt hàng với các nhà sản xuất cung ứng trong năm 2023. Trong quý 4/2023 tiếp nhận để cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước nhu cầu bức bách về vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế vừa thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 của Bộ Y tế; nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, ban hành, tham mưu cho Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình. Thiết nghĩ, để trẻ không bị gián đoạn tiêm chủng, bảo vệ sức khoẻ trước các dịch bệnh, cần phải đẩy nhanh thủ tục đấu thầu, tiến độ mua vaccine và giải quyết việc mua theo đơn đặt hàng một cách nhanh nhất để có vaccine cung ứng cho các địa phương.