An toàn tiêm chủng và xử lý sự cố sau tiêm phải đặt lên hàng đầu

Chủ Nhật, 05/12/2021, 09:25

Việt Nam đã tiêm gần 127 triệu mũi vaccine, hiệu quả của vaccine đã đem lại rõ rệt khi giảm mạnh ca bệnh nặng và giảm tử vong. Song, an toàn tiêm chủng luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu và được người dân đặc biệt quan tâm. Ngày 4/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường công tác an toàn tiêm chủng với 700 điểm cầu trên cả nước, có sự tham gia của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sự việc 4 công nhân ở Thanh Hóa tử vong sau khi tiêm vaccine Vero Cell và hàng loạt công nhân phải nhập viện; 3 học sinh ở Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Phước tử vong và hơn 100 học sinh ở Thanh Hóa phải nhập viện sau tiêm vaccine phòng COVID-19 đã khiến không ít phụ huynh, học sinh và người dân quan tâm, lo lắng.

Việt Nam đã tiêm gần 127 triệu mũi vaccine, hiệu quả của vaccine đã đem lại rõ rệt khi giảm mạnh ca bệnh nặng và giảm tử vong. Song, an toàn tiêm chủng luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu và được người dân đặc biệt quan tâm. Ngày 4/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường công tác an toàn tiêm chủng với 700 điểm cầu trên cả nước, có sự tham gia của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hướng dẫn xử trí sốc phản vệ

Tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhắc lại những "sự cố đau thương" xảy ra gần đây, đó là 4 công nhân ở Thanh Hoá bị sốc phản vệ sau tiêm; hay 3 trẻ em ở Hà Nội, Bắc Giang và Bình Phước tử vong sau tiêm vaccine COVID-19. Đây là những sự cố phản ứng nặng sau tiêm. Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, bên cạnh việc phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới sốc phản vệ và các biện pháp cấp cứu tại các cơ sở tiêm chủng, hội nghị là dịp để các đơn vị y tế củng cố kiến thức, tăng cường thêm năng lực, kỹ năng, tổ chức hệ thống cấp cứu, xử trí để giảm tối đa các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra như sốc phản vệ, viêm cơ tim…

sự cố tiêm vx thanh hóa.jpg -0
Công nhân ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa nhập viện cấp cứu sau tiêm vaccine.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tính tới 4/12, Việt Nam đã tiêm gần 127 triệu liều vaccine COVID-19, tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 là hơn 70%. Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và có kế hoạch, hướng dẫn tiêm mũi tăng cường (mũi 3) cho một số nhóm đối tượng được khuyến cáo.

Để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tiêm chủng, từ khi chuẩn bị tiếp nhận những lô vaccine đầu tiên tới nay, Bộ Y tế và ngành Y tế liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng cho toàn tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vaccine, cấp cứu, hồi sức, tim mạch... Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế có 5 lần cập nhật, sửa đổi hướng dẫn sàng lọc trước tiêm, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng; tổ chức 4 hội nghị an toàn tiêm chủng, có sự hướng dẫn kịp thời từ các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước đến tận điểm tiêm. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn từ tuyến huyện đến tuyến xã về khám sàng lọc, xử trí sau khi tiêm. "Khi có sự cố trong tiêm chủng xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào, hội đồng chuyên môn y tế các cấp đã họp, đánh giá, đưa ra những kết luận kịp thời", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Tại hội nghị, các chuyên gia về hồi sức cấp cứu, tim mạch của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai… chia sẻ và hướng dẫn về khám sàng lọc trước tiêm chủng cho đối tượng người lớn và trẻ em, dự phòng phản vệ, hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, chuyển tuyến và điều trị đối với trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Các chuyên gia cũng chia sẻ, hướng dẫn về sốc phản vệ, hội chứng giảm tiểu cầu huyết khối, viêm cơ tim… cho các bác sĩ tuyến cơ sở ở 700 điểm cầu.

Đặc biệt, hội nghị được nghe những chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia WHO Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc xử trí sốc phản vệ, ngất do phản xạ thần kinh phế vị cũng như các vấn đề liên quan điều tra chùm ca biến cố bất lợi sau tiêm chủng. Theo chuyên gia của WHO, sốc phản vệ thường xảy ra từ 5-30 phút sau tiêm, nhưng hơn 90% phản vệ xảy ra trong vòng 30 phút khi đưa vaccine vào cơ thể. Sốc phản vệ thường xảy ra đơn lẻ và rất hiếm gặp xảy ra nhiều người cùng lúc. Đây là những lưu ý để chẩn đoán và xử trí cấp cứu. Có bệnh nhân chưa tiêm xong đã ngất do phản xạ thần kinh phế vị - thường xảy ra tập thể hơn đơn lẻ - vì vậy đánh giá về triệu chứng trên da và niêm mạc rất quan trọng.

Tiêm vaccine và 5K là biện pháp hiệu quả nhất

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron khiến chúng ta càng quan ngại và lo lắng hơn. Năm công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm: Vaccine; các biện pháp y tế công cộng - xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.

Theo ông Kidong Park, trong số các công cụ này, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K , đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch."Vaccine là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này", TS Kidong Park nói.

Ông Kidong Park cũng cho rằng, Việt Nam đã gia tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các quần thể dân số phù hợp. Ông nhấn mạnh: "Cùng với tăng tốc độ, điều quan trọng là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Chúng tôi cam kết tăng cường hệ thống quản lý các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Việt Nam để đảm bảo chương trình tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện thành công".

Trần Hằng
.
.
.