Trước khi tiêm chủng phải cho cha, mẹ của trẻ xem lọ vaccine

Thứ Sáu, 05/11/2021, 21:00

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng, trong quá trình tiêm kiểm tra vaccine, dung môi, bơm tiêm; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vaccine trước khi tiêm.

Tối 5/11, Bộ Y tế phát đi văn bản số 9439/BYT-DP về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai công tác tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19) đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên dẫn đến một số sai sót đáng tiếc xảy ra.

​Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine.

Trước khi tiêm chủng phải cho cha, mẹ của trẻ xem lọ vaccine -0
Phải cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vaccine trước khi tiêm chủng.

Các tỉnh phải tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng như: Trước tiêm phải khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vaccine sẽ tiêm chủng...; trong quá trình tiêm thực hiện tiêm đúng chỉ định, đúng liều, đúng đường dùng, kiểm tra vaccine, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vaccine trước khi tiêm chủng...

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương sau khi tiêm theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo qui định; xử lý chất thải y tế sau tiêm… theo qui định.  

 Lập kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo phù hợp, rõ ràng, tránh chồng chéo; bố trí nhân lực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cán bộ trong buổi tiêm chủng và các điểm tiêm chủng, thời gian tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin và sự cần thiết tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm khác ngoài dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay; khuyến cáo người dân đưa con em đi tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục cập nhật thông tin và nhập mới, nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng hàng ngày lên Hệ thống tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo đúng tiến độ tiêm chủng của địa phương.

Các địa phương phải tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm.

Trước đó, vào ngày 3/11, một sự cố đã xảy tại Trạm y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai khi tiêm chủng cho các cháu có độ tuổi từ 1 tháng đến 6 tháng tuổi. Trong quá trình tiêm đã tiêm nhầm vaccine Comirnaty phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNtech cho 18 trẻ từ 2 - 6 tháng tuổi.

Sau sự cố này, TP Hà Nội đã khẩn cấp chuyển 18 trẻ đến Bệnh viện Xanh Pôn để theo dõi y tế. 

Tới chiều 5/11, theo đại diện Bệnh viện Xanh Pôn, tình trạng sức khỏe của các cháu bị tiêm nhầm vaccine vẫn ổn định, trẻ có ít dấu hiệu sốt thông thường sau tiêm vaccine. Bệnh viện Xanh Pôn đã dành phần lớn khu Trung tâm kỹ thuật cao để theo dõi, điều trị cho các cháu, đồng thời liên tục cập nhật thông tin, hội chẩn cùng các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trần Hằng
.
.
.