An Giang chủ động các giải pháp thiết thực trong công tác khoanh vùng, dập dịch

Thứ Sáu, 17/09/2021, 07:18

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đã trưng dụng, trang cấp thiết bị y tế, nâng cấp trên 200 xe cấp cứu thành Trạm y tế lưu động, góp phần hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Nâng cấp xe cấp cứu thành Trạm y tế lưu động

Tính đến sáng 16/9, An Giang ghi nhận 3.072 ca nhiễm COVID-19, lũy kế điều trị khỏi 1.784 trường hợp. Hiện dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện An Phú và huyện Phú Tân, với số ca nhiễm cộng đồng tăng cao. Một trong những giải pháp được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện khi dịch bùng phát trên địa bàn, là nâng cấp xe cấp cứu thành trạm y tế lưu động.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết, trạm y tế lưu động là một mô hình rất hay, hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt đối với các địa phương thực hiện cách ly, điều trị các ca nhiễm COVID-19 tại nhà. Trạm y tế lưu động sẽ tạo điều kiện để người dân được chăm sóc y tế kịp thời khi cần thiết.

Mặt khác, đối với 156 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, mỗi địa phương điều có từ 1-3 xe cấp cứu chuyên dụng được trang bị đầy đủ từ nhân lực đến thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống oxy. Đảm bảo thực hiện sơ, cấp cứu ban đầu và chuyển viện các trường hợp nguy cấp.

“Chính vì thế, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc triển khai trạm y tế lưu động, An Giang đã trang bị thêm các điều kiện y tế cần thiết, bổ sung cơ số thuốc, nâng cấp hệ thống oxy và đưa vào vận hành các xe cấp cứu này như một trạm y tế lưu động. Như vậy, hiện nay, An Giang đã có trên 200 trạm y tế lưu động phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch. Ngoài vận chuyển các trường hợp F0 đến cơ sở điều trị, trạm y tế lưu động còn thực hiện chăm sóc các trường hợp cách ly tại nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang, UBND cấp huyện là đơn vị quyết định về việc thành lập trạm y tế lưu động tại địa phương. Tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho Trạm y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn nhà văn hóa, tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân….

Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Trạm y tế lưu động. Mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Trung tâm Y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động.

angiang 4.jpg -0
Lực lượng truy vết Công an tỉnh An Giang lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại huyện An Phú.

Dồn lực dập dịch ở huyện biên giới An Phú

Hiện trên địa bàn huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang) có 3 ổ dịch tại thị trấn Long Bình và xã Khánh An diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến sáng 16/9, An Phú ghi nhận 967 ca nhiễm COVID-19 (trong đó 35 ca nhập cảnh, 503 ca cộng đồng,…), đang điều trị 353 trường hợp F0. Từ ngày 29/6, kể từ khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên với chuỗi lây nhiễm 75 ca liên quan, huyện An Phú đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong thời gian ngắn đã dập được dịch. Tuy nhiên, đến ngày 3/8, ổ dịch mới xuất hiện, khởi phát từ một tài xế vận chuyển cá từ Trà Vinh về địa phương, với chuỗi lây nhiễm lên đến 105 ca, tốc độ lây lan nhanh, phức tạp.

 Theo ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện - Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú, thị trấn Long Bình có địa hình phức tạp, mật độ dân cư đông, nhiều lớp nhà nằm san sát nhau rất dễ lây nhiễm. Còn tại xã Khánh An, ổ dịch bùng phát tại làng bè nên gây nhiều khó khăn cho công tác khống chế, dập dịch. Mặt khác, công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Một vấn đề khác, một số người dân chưa ý thức cao trong phòng, chống dịch, khai báo y tế không trung thực gây lây lan dịch bệnh cộng đồng…

Trước yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện An Phú, Công an tỉnh đã tăng cường 500 CBCS hỗ trợ địa phương triển khai các giải pháp khoanh vùng, cắt nguồn lây và dập dịch. Nhiệm vụ của lực lượng tăng cường sẽ thực hiện phỏng tỏa siết chặt vòng ngoài, đồng thời chia thành nhiều tổ công tác thọc sâu ở vòng trong, đảm bảo người dân thực hiện nghiêm giãn cách. Trong số CBCS được tăng cường, có nhiều đồng chí là Trưởng, Phó phòng Công an các đơn vị và những đồng chí này sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc về việc triển khai bố trí lực lượng, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

2 chiếc xe 29 chỗ đã được Bệnh xá Công an tỉnh An Giang cải tiến thành xe y tế lưu động. Trung tá Dương Chí Khâm, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh An Giang cho biết: “2 Tổ công tác, gồm 6 y, bác sỹ vận hành 2 xe y tế lưu động lên đường, xung kích vào tâm dịch, đảm bảo kịp thời hỗ trợ người dân trong những ngày thực hiện phong tỏa. Đối với các trường hợp có dấu hiệu nguy cấp, tổ y tế lưu động sẽ thực hiện sơ cứu ban đầu và nhanh chóng phối hợp cùng cơ quan y tế địa phương chuyển bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời”.

Đồng hành cùng Công an tỉnh An Giang, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - ANGIMEX đã đóng góp 500 triệu đồng và 50 tấn gạo, hỗ trợ cho người dân vùng dịch An Phú. 500 triệu đồng sẽ được sử dụng vào việc bổ sung các trang thiết bị y tế, trong đó tập trung tăng cường bộ dụng cụ test nhanh và khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, đảm bảo thực hiện công tác tầm soát cộng đồng đầy đủ, hiệu quả, người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn đúng quy định.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an An Giang chia sẻ, đối với nhiệm vụ lần này, Công an tỉnh xác định, thứ nhất phải đảm bảo cho người dân khó khăn khi thực hiện giãn cách thì trong nhà phải có gạo ăn. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn Công an tỉnh, Công an địa phương sẽ tiếp tục triển khai việc cung cấp thêm rau, củ, nhu yếu phẩm, cá, mắm… hỗ trợ bà con. Thứ hai, người dân phải được tiếp cận điều kiện chăm sóc y tế, phải có khẩu trang để đeo. CBCS Công an An Giang vào tâm dịch với quyết tâm cao nhất, hành động cụ thể, thiết thực nhất.

Trần Lĩnh
.
.
.