Tử vong vì tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà:

Cảnh báo người dân ngại đến viện vì lo dịch COVID-19

Thứ Ba, 25/08/2020, 08:33
Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

Thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển, khiến tình trạng mắc sốt xuất huyết gia tăng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

Tại Hà Nội đã ghi nhận 1.447 ca mắc sốt xuất huyết ở tất cả các quận, huyện, trong đó vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong là nam sinh 17 tuổi do lo ngại COVID-19 tự điều trị tại nhà.

Những sai lầm chết người

Ngày 24-8, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, cách đây 1 tuần, Khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội đã cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm COVID-19. 

Khi bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu thì bệnh nhân ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.

Lo lắng trước sự lây nhiễm của COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau mỏi người,..) đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc COVID. Đây là sai lầm của người dân trước nguy cơ “dịch chồng dịch” và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. 

Điển hình là nam thanh niên 27 tuổi ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai mà ban đầu các nhân viên y tế nhầm lẫn với COVID-19. 

Ngày 16-8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 - 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30-7 đến 7-8, nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến COVID-19, tuy nhiên làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 đã cho kết quả âm tính. 

Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, lúc này xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được kết luận mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết như truyền dịch, hạ sốt. Sau 4 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Tập trung diệt muỗi, bọ gậy để dập dịch

Thời tiết nắng, mưa nhiều khiến cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi. Từ đầu hè, Hà Nội xuất hiện hàng chục ổ sốt xuất huyết ở các huyện ngoại thành như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phúc Thọ… Tuy nhiên, sốt xuất huyết hiện đã đã lan dần vào các khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai…

Điển hình tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), đến cuối tháng 7-2020, ghi nhận 305 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung cao tại xã Tam Hiệp với 272 ca bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đã tăng cường 40 người cho 40 đội xung kích của xã Tam Hiệp tiến hành tổng vệ sinh môi trường; các lực lượng dân quân tự vệ của xã đã phun hóa chất diện rộng toàn xã, có 3.289/3.491 nhà được phun đạt 94,2%. Xã đã thành lập và kiện toàn 40 đội xung kích diệt bọ gậy và 8 tổ giám sát. Trao đổi với phóng viên 

Báo CAND chiều 24-8, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội ghi nhận 1.447 ca mắc sốt xuất huyết rải rác ở tất cả các quận, huyện của thành phố. Trong tuần qua ghi nhận một số ca mắc ở 20 quận, huyện. Trường hợp thiếu niên 17 tuổi tử vong thật đáng tiếc, vì ở độ tuổi đó, nếu bệnh nhân được đưa đến viện thăm khám và điều trị, bệnh tình sẽ chóng khỏi, không dẫn tới kết cục đau lòng. 

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Hà Nội hiện không có ổ dịch sốt xuất huyết quy mô lớn cần sự hỗ trợ của thành phố, mà các quận, huyện có các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.

Tuy nhiên bước sang tháng 8 mưa nhiều, muỗi sinh sôi nên Hà Nội cần phải triển khai phun hóa chất một cách triệt để, trong các chiến dịch cần có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và lực lượng Công an để đảm bảo 100% hộ gia đình được xử lý. Các Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và Tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết cần hoạt động một cách hiệu quả, không hình thức và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Năm học mới sắp bắt đầu, ngoài việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại khu dân cư cần chú trọng đến các khu vực công cộng như các cơ quan, công trường, xí nghiệp, trường học…để bảo đảm trẻ đến trường không mắc sốt xuất huyết.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Đỗ Duy Cường, người dân khi có triệu chứng sốt xuất huyết cần hết sức chú ý bởi đa số bệnh nhân thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Trần Hằng
.
.
.