Tràn lan điểm bấm khuyên tai “dạo”: Khách hàng cẩn trọng kẻo “mang họa”

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:46
Để làm đẹp và thể hiện cá tính, giới trẻ ngày nay không chỉ bấm lỗ tai truyền thống, mà còn bấm lỗ ở sụn vành tai. Theo trào lưu, có bạn trẻ mỗi bên đeo tới 4-5 chiếc khuyên. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, bấm lỗ tai ở những cửa hàng “dạo”, không được vệ sinh sạch sẽ, không đảm bảo vô khuẩn đã khiến nhiều người phải nhập viện “cầu cứu” bác sĩ. Nguy hiểm hơn, nhiều người “tự chữa” không khỏi, khi tới viện, tai bị hoại tử, điều trị rất khó khăn.


Suýt hỏng vành tai sau khi xỏ khuyên

Ngồi đợi tới lượt khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cô gái N.T.H. (24 tuổi, ở Hà Nội) rất ân hận vì bấm lỗ tai ở một cửa hàng “dạo” được quảng cáo trên mạng, dẫn tới bị áp xe nhiễm trùng, phải nhập viện điều trị. Một bên tai trái băng kín, H. cho biết, mình vừa trải qua ca mổ viêm sụn vành tai 2 ngày và chưa biết tai có giữ được nguyên vẹn hay không.

Cách đây 1 tuần, qua mạng xã hội, H. biết đến cửa hàng bấm lỗ tai trên đường Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội). Dù đã có 2 lỗ tai từ nhỏ, nhưng do muốn đeo khuyên trên vành tai nên H. đã tìm đến cửa hàng này. Sau khi bấm 1 lỗ ở sụn vành tai trái với giá 150.000đ, 4 ngày sau, tai H. bắt đầu sưng đỏ, sau đó càng sưng to, đau và có mủ. Chịu đựng đau đớn 2 ngày nữa, H. mới đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám. Kết quả, cô phải nhập viện điều trị.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, đây là trường hợp bấm khuyên tai nhưng không đảm bảo vô khuẩn, dẫn tới bị áp xe. Rất may, bệnh nhân đến viện sớm, hy vọng vành tai còn giữ được nguyên vẹn. Theo PGS Cảnh, đây không phải là trường hợp hiếm, vì Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thường tiếp nhận ca bệnh bị áp xe, nhiễm trùng sau khi bấm khuyên tai, đặc biệt là bấm ở sụn vành tai. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 15-25, trong đó nhiều người tới viện muộn khi đã bị viêm sụn vành tai.

Cô gái bị viêm sụn vành tai sau, phải phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương sau “làm đẹp” bấm lỗ tai.

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã tiếp nhận nhiều ca là những bạn trẻ đã có hai lỗ tai, nhưng muốn tạo cá tính đã đi bấm khuyên ở vành tai, khi bị sưng, mưng mủ nhưng lại nghĩ là bình thường, tự mua giảm đau ở nhà uống.

Theo chia sẻ của bệnh nhân Nguyễn Hồng Phương (Hà Nội), do nhiều lần bấm lỗ tai và có lần đã bị sưng, mưng mủ, nhưng sau tự hết nên cô chủ quan. Đến lần này, tai sưng đau chảy mủ mãi, cô tự mua thuốc giảm đau uống nhưng tình trạng ngày càng nặng, tới viện thì mới biết ổ áp xe bị nhiễm trùng nặng. Rất đáng tiếc, vì đến viện muộn, Phương đã không giữ được vành tai nguyên vẹn. Với những trường hợp này, bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân phẫu thuật tái tạo lại vành tai.

Nguy hiểm từ những bấm khuyên tai dạo

Bấm lỗ tai mọc lên nhản nhản ở Hà Nội, không chỉ ở một số cửa hàng vàng bạc, mà còn xuất hiện nhiều cơ sở “dạo” mở tự do quanh các trường đại học. Chỉ cần tìm kiếm trên Google dễ dàng tìm ra hàng chục điểm “bấm lỗ tai không đau”… Chỉ một đoạn phố trên phố Cầu Gỗ (Hà Nội), nhưng có tới mấy hàng treo biển “Bấm lỗ tai, lỗ mũi” hay “Xỏ khuyên lưỡi, rốn thẩm mỹ”.

Ở những điểm này, dụng cụ bấm lỗ tai là một “khẩu súng” và hộp đựng những mẫu khuyên tai. Người thực hiện không có chuyên môn, không găng tay, không vệ sinh dụng cụ, không thuốc sát trùng, lắp một khuyên tai kim loại vào đầu “súng”, lấy bút bi châm vào điểm cần xỏ, sau đó bắn “tạch” một cái là xong. Tại một cửa hàng bạc ở phường Bưởi (Hà Nội), chúng tôi thắc mắc “sao không vô trùng khi bấm lỗ tai cho khách”, chủ hàng nói: “Yên tâm, tôi làm cho rất nhiều người rồi, không sao hết”.

Trên thực tế thì số ca bị biến chứng nhiễm trùng khi bấm lỗ, xỏ khuyên không hề ít. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng dụng cụ không đảm bảo vô trùng, dùng nhiều lần từ người này sang người kia có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan B, thậm chí lây nhiễm HIV.

Biến chứng hay gặp nhất sau bấm lỗ tai, xỏ khuyên là viêm sụn vành tai. Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai. Bấm lỗ tai có thể bị nhiễm trùng bất cứ ở đâu, tuy nhiên khuyên đi qua sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và khó điều trị hơn nhiễm trùng qua thùy tai hoặc các mô mềm ngay phía trên thùy.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết, toàn bộ vành tai thì cấu trúc sụn rất tinh tế. Khi gặp áp xe, sụn tiêu đi, dẫn đến tai nhăn nhúm như mộc nhĩ. Điều trị viêm sụn vành tai rất phức tạp vì vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Nếu bệnh nhân đến viện muộn, dẫn tới hoại tử hết vành tai khiến cho vành tai bị biến dạng, chỉ còn lại một nhúm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Những trường hợp này phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, nếu các bạn trẻ muốn bấm lỗ tai ở vùng khác ngoài dái tai, xỏ nhiều lỗ ở vành tai, thì phải tìm đến cơ sở y tế để bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn thực hiện, không nên giao tính mạng ở những cơ sở bấm lỗ tai dạo, nơi không có chuyên môn và dụng cụ không đảm bảo vô trùng.

Trần Hằng
.
.
.