Tổng rà soát về quản lý hóa chất và methanol
- Cái chết mang tên Methanol
- Nhiều người tử vong do ngộ độc rượu methanol: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
- Ngộ độc rượu có Methanol: Sẽ tiếp tục xảy ra nếu không quản lý tốt
Mặc dù không có con số thống kê chính thức, nhưng theo đánh giá của nhiều người, 80% lượng rượu lưu hành trên thị trường hiện nay là rượu không nhãn mác. Đây là tình trạng lịch sử để lại khi người dân Việt Nam có nghề nấu rượu thủ công lâu đời và thói quen tự cung tự cấp.
Tuy nhiên, tình trạng rượu không nhãn mác tràn lan đang gây nên những tác hại khôn lường khi một số đối tượng gian thương có biểu hiện pha methanol vào rượu để nâng độ trục lợi, dẫn đến bùng phát ngộ độc kể từ đầu năm 2017 trở lại đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng với tình trạng cồn công nghiệp, cồn y tế bán tràn lan như hiện nay, nếu không tính cách quản lý sớm, số người chết sẽ chưa dừng lại; không kể đến những người nhiễm độc methanol mãn tính với tác hại khôn lường về sức khỏe (có thể lên tới con số hàng triệu).
Tại buổi tọa đàm ngày 23-3, nhiều đại biểu đặt ra vấn đề cấp thiết phải quản lý được đường đi của methanol và chỉ ra trách nhiệm của Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Hóa chất) trong việc này.
Thay vì bơi ra quản lý từng gia đình nấu rượu, cách tốt hơn là quản lý đường đi của methanol. |
Nói về quan điểm của các đại biểu trong vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, “nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực hóa chất của Bộ Công Thương không yêu cầu chúng ta đến kiểm tra từng cửa hàng kinh doanh mà là kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở địa phương trong lĩnh vực đó, nghĩa là “kiểm tra đơn vị đi kiểm tra”.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận: Quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Nhưng “để tạo môi trường kiến tạo, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân”, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, “nên tăng cường công tác hậu kiểm và phân cấp quản lý cho các địa phương”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo cần rà soát tổng thể hệ thống pháp luật trong quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp, phụ gia… và giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát các văn bản liên quan vấn đề quản lý hóa chất cấm, hóa chất độc hại từ trong sản xuất, nhập khẩu, thông quan, tồn chứa, sử dụng, kinh doanh…
Đáng chú ý, ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ đạo Cục Hóa chất phối hợp với hai thành phố kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất; tăng cường hậu kiểm tại địa phương; rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm... đảm bảo không thất thoát những hóa chất nguy hại thuộc danh mục cấm...
Việc đặt ra vấn đề quản lý sản xuất rượu thủ công, đặc biệt ở quy mô hộ gia đình đang gây rất nhiều băn khoăn. Chính đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận đang loay hoay trong việc này.
Ngày 23-3, đại diện Văn phòng Chính phủ tại tọa đàm về quản lý rượu cũng đặt câu hỏi: Yêu cầu giấy phép với người dân sản xuất tại gia đình thì có thực tiễn hay không, hay chỉ đặt ra rồi không quản lý nổi. Theo vị này, nên chia theo quy mô để quản lý.
Quan trọng nhất, ngộ độc methanol là do rượu pha chế, và do quản lý cồn công nghiệp không chặt chẽ, nên chú trọng vào đây để tìm cách tháo gỡ, chứ không phải bơi ra để quản lý từng gia đình nấu rượu.