Nhiều người tử vong do ngộ độc rượu methanol: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Thứ Hai, 06/03/2017, 18:36
Ai phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt cái chết do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) là câu hỏi nhức nhối mà nhiều người đặt ra suốt hơn một tháng qua. Cần có câu trả lời để phần nào an ủi những số phận không may mắn đã thiệt mạng.


Dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước vụ ngộ độc rượu có methanol ở huyện Phong Thổ, Lai Châu khiến 8 người tử vong thì ngay tại Hà Nội, tuần vừa rồi đã có thêm 7 người phải vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc –Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng do rượu có methanol. Một tháng trước, đã có 4 người tử vong tại Trung tâm chống độc cũng vì rượu có methanol và suốt dịp Tết vừa qua, vẫn có nhiều người phải vào BV Bạch Mai cấp cứu vì lý do này.

Như vậy là chỉ trong vòng hơn một tháng qua đã có 15 người tử vong cùng gần 100 người phải cấp cứu do rượu có methanol. Đây chỉ là con số “bề nổi” và mới ở 2 nơi là Lai Châu và BV Bạch Mai, còn các nạn nhân của loại rượu này không nhập viện, hoặc không kịp nhập viện, hoặc cấp cứu tại các BV khác trên cả nước chắc chắn lớn hơn nhiều. Điều đáng nói là, không chỉ ở các miền núi, vùng cao, mà các vụ ngộ độc đã xảy ra cả ở ngay Thủ đô Hà Nội cho thấy, rượu có methanol đã có mặt ở mọi miền.

Trước số người cấp cứu do ngộ độc rượu có methanol tăng nhanh và tỉ lệ tử vong cao, cuối tháng 2-2017, BV Bạch Mai phải khẩn cấp tổ chức một hội thảo về tác động xấu của rượu có methanol với sức khỏe con người, để khẩn thiết “nhờ” các nhà báo truyền thông tới người dân sự nguy hại của loại rượu này. Bởi các bác sĩ dự báo là sẽ còn có “nhiều Phong Thổ” khác diễn ra nếu không truyền thông tích cực. 

Hầu hết những người bị ngộ độc methanol đều bị di chứng về thần kinh và mắt

Dự báo đó hoàn toàn không sai khi ngay sau hội thảo vài ngày, đã có thêm 7 người nhập viện cấp cứu, mà là ở ngay Hà Nội và hầu hết trong tình trạng nặng, bị hôn mê sâu, có người đã ngừng tim. Số phận của đa số các nạn nhân đều mong manh như ngọn đèn trước gió, có người gia đình phải xin về vì Bệnh viện bó tay.

Mặc dù số người tử vong cùng số người ngộ độc do rượu có methanol đã và đang gia tăng, thì một điều rất lạ là chỉ thấy các bác sĩ và các nhà báo vào cuộc. Chưa thấy một cơ quan quản lý Nhà nước nào lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ việc này, để từ đó đưa ra các biện pháp quản lý tốt hơn với cả chất methanol, cũng như ngăn ngừa việc sản xuất và kinh doanh rượu có methanol trên thị trường. Sự im lặng khó hiểu này khiến nhiều người có cảm tưởng như việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu độc này hiện nay vô chủ?

Nhiều người cho rằng liên quan đến rượu là do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Nhưng theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ “về sản xuất, kinh doanh rượu”, Bộ Y tế lại không được giao quản lý việc sản xuất kinh doanh rượu để có thể đưa ra các biện pháp kiểm tra, xử lý, mà trách nhiệm này thuộc về Bộ Công thương. Thế nhưng suốt từ khi xảy ra các vụ ngộ độc rượu có methanol, chưa một lần thấy Bộ Công thương lên tiếng, để củng cố, chấn chỉnh lại việc quản lý sản xuất và kinh doanh loại rượu chết người này... Sau vụ việc 7 người bị ngộ độc rượu ở Hà Nội, mới thấy lực lượng Quản lý thị trường ở Thủ đô kiểm tra, xử lý, còn ở cấp bộ vẫn “im hơi lặng tiếng”!.

Công luận vẫn đang chờ đợi tiếng nói chính thống từ các cơ quan chức năng, để xem việc xử lý trước các vi phạm đã xảy ra cùng những giải pháp ngăn chặn thứ rượu độc giết người này ra sao?

Theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP:

Trách nhiệm của Bộ Công Thương:

-Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát, quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát.

- Quản lý an toàn thực phẩm đối với rượu theo đúng các quy định của Luật an toàn thực phẩm.

- Thanh tra, kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu về việc chấp hành Quy hoạch sản xuất rượu, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm về kinh doanh rượu khác.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tổ chức tịch thu, xử lý đối với rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hết thời hạn sử dụng hoặc các sản phẩm rượu mang nhãn hàng hoá không hợp pháp, không ghi nhãn bao bì, không dán tem theo quy định.

Thanh Hằng
.
.
.