Tiêm chủng cho người trong vùng dịch có nguy cơ mắc bệnh cao
Ba ca tử vong (từ ngày 29-6 đến ngày 8-7) gồm: bệnh nhi Thị Lại (12 tuổi), bệnh nhân Điểu Trích (18 tuổi, cùng ngụ ấp Thuận Tiến, xã Thuận Phú) và bệnh nhân Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi, ngụ ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Lợi). Cả ba bệnh nhân tử vong sau khi nhập viện được vài ngày.
Ông Nguyễn Đồng Thông – Giám đốc Sở Y tế Bình Phước thông tin về dịch bệnh bạch hầu tại cuộc họp báo ngày 14-7 |
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đồng Thông – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh này, đối tượng mắc bệnh chủ yếu từ 6 đến 26 tuổi. Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, ho nhiều, đau đầu nên thường bị chẩn đoán nhầm với viêm Amydal. Sau một thời gian, vi khuẩn bạch hầu tấn công vào cơ thể, tiết ra độc tố gây tử vong cho người bệnh.
"Sau khi Cục Y tế dự phòng xác định bệnh lạ ở Bình Phước là bạch hầu, ngành y tế tỉnh đã tiến hành phun xịt thuốc, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh và tiến hành tiêm vắc xin cho người dân trong vùng phát sinh dịch có nguy cơ mắc bệnh cao" – ông Thông nói. Qua điều tra, xác minh đến nay đã có thể khẳng định đây là ổ bệnh bạch hầu cư trú, lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao cho người bệnh. Kết quả điều tra cho thấy con người là ổ bệnh duy nhất, không liên quan đến yếu tố ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Thông, đến thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định được thời gian chính xác để dập tắt được ổ bệnh này vì đây là ổ bệnh diễn biến phức tạp. Trong ngày 14-7, Sở đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh và sẽ công bố dịch bệnh trên phạm vi huyện Đồng Phú trong thời gian sớm nhất (khi Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành).
“Về thời gian thì chưa thể khẳng định nhưng chắc chắc bằng mọi biện pháp sẽ khống chế được dịch bệnh, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố” – ông Thông nói. Về biện pháp phòng chống, Sở Y tế Bình Phước phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phun thuốc phòng bệnh tại địa điểm xảy ra dịch bệnh.
Hiện Sở Y tế đã nhận về 10 ngàn liều vắc xin và trong chiều 14-7 đã tiến hành tiêm chủng cho người dân có nguy cơ mắc bệnh cao tại các tổ 4, 5, 6 thuộc thôn Thuận Tiến, xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú) là nơi bùng phát bệnh bạch hầu. Những ngày tới sẽ tiếp tục mở rộng vùng tiêm chủng các khu vực dân cư lân cận. Trước tình hình dịch bệnh, Viện Pasteur TP HCM cũng đã cử người về Bình Phước phối hợp kiểm soát dịch bệnh.
Quang cảnh buổi họp báo |
Thông tin thêm tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước cho biết, huyện Đồng Phú trước đây đạt 95% tỉ lệ tiêm chủng, số còn lại chưa được tiêm chủng tích lũy qua các năm, đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Cũng theo ông Sáu, hai trong số 3 bệnh nhân đã tử vong vẫn còn lưu giữ sổ tiểm chủng cho thấy đã tiêm chủng vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu. Trường hợp còn lại theo người nhà nạn nhân tuy không còn lưu sổ tiểm chủng nhưng cho biết vẫn tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa các loại bệnh. “80-90% sau khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh bạch hầu sẽ miễn nhiễm được bệnh, tỉ lệ còn lại vẫn có thể mắc bệnh do trong quá trình tiêm chủng bị lỗi kỹ thuật, dẫn đến thuốc vào cơ thể không phát huy được tác dụng và xảy ra mắc bệnh” – bác sĩ Sáu nói.
Để hạn chế bệnh bạch hầu, Sở Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bệnh, trong trường hợp phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh cá nhân và đồ dùng sinh hoạt.
Cùng ngày, trả lời về việc văcxin phòng bạch hầu đã có trong danh sách vắc xin tiêm chủng mở rộng miễn phí nhiều năm nay, vì sao lại xảy ra dịch với nhiều người mắc và tử vong, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho rằng tỉ lệ tiêm vắc xin có thành phần ngừa bạch hầu tại các xã vùng dịch khá cao, nhưng mới phủ phòng dịch ở trẻ em, còn người mắc bệnh trong vụ dịch này phần lớn là người lớn hoặc thanh thiếu niên, có thể do tỉ lệ tiêm chủng trong những năm trước đây đạt thấp. Ông Phu cũng khẳng định khu vực này không “trắng” tiêm chủng như vùng dịch bạch hầu năm 2015 ở Quảng Nam.