Cảnh giác với bệnh bạch hầu làm 3 người chết

Thứ Năm, 14/07/2016, 08:54
Ngày 13-7, bác sỹ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, kết quả xét nghiệm xác định 3 ca tử vong liên tục những ngày qua tại 2 xã Thuận Phú và Thuận Lợi (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) do mắc bệnh bạch hầu.

Ba ca tử vong (từ ngày 29-6 đến ngày 8-7) gồm: bệnh nhi Thị Lại (12 tuổi), Điểu Trích (18 tuổi), cùng ngụ ấp Thuận Tiến, xã Thuận Phú và Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi, ngụ ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Lợi). Cả ba bệnh nhân tử vong sau khi nhập viện được vài ngày. Theo bác sĩ Đức thì triệu chứng bệnh diễn tiến rất nhanh. 

Từ ngày 24-6 đến ngày 12-7, tại tổ 4, 5, 6 ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và tổ 2, ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú ghi nhận tổng số ca mắc là 34, trong đó tử vong 3 (như trên). Hiện còn hơn 30 ca vẫn đang điều trị tại các cơ sở y tế ở Bình Phước và TP Hồ Chí Minh với các triệu chứng: sốt cao, viêm họng, mệt mỏi, khó thở, đau ngực, tay chân lạnh…

Về diễn biến bệnh, từ ngày 1-7, Trạm Y tế xã Thuận Lợi ghi nhận một số người dân sống trong xã và kế cận (xã Thuận Phú) có biểu hiện viêm họng/viêm amiđan. 

Chị Thanh bàng hoàng kể lại căn bệnh đã cướp mất người chồng của chị.

Trước tình trạng bệnh, Trạm Y tế xã Thuận Lợi và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đồng Phú đã nhanh chóng tiến hành điều tra, tổng hợp và báo cáo số ca mắc về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. 

Sau đó, Đoàn Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở Y tế Bình Phước đã khẩn trương điều tra, đánh giá vụ dịch bất chấp ngày nghỉ cuối tuần để hướng dẫn địa phương các biện pháp phòng, chống dịch.

Đến ngày 12-7, đã có kết quả xét nghiệm: 4 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu trong tổng số 36 mẫu xét nghiệm. Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.

Để ngăn ngừa, ngành y tế Bình Phước đã phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động giám sát, xét nghiệm để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần sử dụng khẩu trang. Sau khi tiếp xúc nên sử dụng thuốc dự phòng theo đúng phác đồ. Tốt nhất là tiêm ngừa phòng bạch hầu nếu tiền sử chưa được tiêm ngừa. Người mắc bệnh bạch hầu cần nghiêm túc chấp hành phác đồ điều trị, cách ly của ngành y tế. 

Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bạch hầu như: sốt, đau họng, viêm amidan, sưng quanh cổ... cần đến khám tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh (25 tuổi, ngụ ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Lợi, vợ của bệnh nhân Nguyễn Trường Hậu đã tử vong) cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, chồng chị bị sốt cao, người nóng như lò than. Uống thuốc ở nhà mấy ngày không khỏi, ngày 1-7, gia đình đưa anh Hậu vào Bệnh viện Đa khoa Công ty CP Cao su Đồng Phú điều trị. 

3 ngày sau, cổ anh Hậu nổi hạch và bệnh chuyển biến nặng. Ngày 6-7, anh Hậu được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, do anh Hậu bị tim nặng nên sau đó được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đến ngày 8-7, anh Hậu tử vong.

Cũng theo chị Thanh, trước khi bị bệnh, chồng chị khỏe mạnh bình thường, vẫn đi cạo mủ và ăn uống như mọi khi. “Sau khi chồng tôi mất, mọi người chòm xóm sinh nghi, nhìn tôi với ánh mắt e dè, vì ai cũng cho rằng tôi đã bị lây nhiễm bệnh lạ từ chồng nên ngại tiếp xúc. 

Lo hậu sự cho chồng xong, tôi phải vội vã về TP Hồ Chí Minh khám bệnh và kết quả mới có chiều qua (12-7) cho thấy tôi khỏe mạnh bình thường. Không chỉ tôi mà một số người thân trong gia đình cũng bị mọi người nghi ngờ tương tự” – chị Thanh nói.

Đức Trí
.
.
.