"Thời gian là vàng" và câu chuyện 14 tỉ đồng thuốc đặc trị hết date

Thứ Tư, 26/04/2017, 17:00
Gần 20 ngàn viên thuốc tài trợ chữa bệnh ung thư phải tiêu huỷ vì hết date trong khi người bệnh …nằm mơ cũng không dám mơ có được, chung qui cũng bởi hai chữ: "qui trình". Một qui trình...mất thời gian!. Hết date thì phải đổ bỏ, trách nhiệm ở khâu nào, tới đâu, sẽ làm rõ tới đó! Chỉ còn lại, nỗi cay đắng cho bệnh nhân, có thuốc mà chẳng được dùng!

Trong kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP về việc kiểm tra công tác "thực hành tiết kiệm chống lãng phí" tại các bệnh viện (BV) công, mới được công bố cho thấy, cả ba BV: Bệnh viện Truyền Máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh, BV Ung bướu, và BV Phạm Ngọc Thạch đều có những sai phạm cần chấn chỉnh. Nhưng trong đó nổi bật lên là việc tại BV Truyền Máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh có đến 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015 với tổng trị giá là 13.998.639.889 đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên- tư liệu thanh tra). Đây là số thuốc được viện trợ dưới hình thức viện trợ phi dự án bằng thuốc điều trị bệnh Bạch cầu mãn dòng tuỷ (CML).

Bệnh nhân ung thư chờ đợi khám, lấy thuốc-cảnh thường thấy tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM( Ảnh minh hoạ).

 Được biết, theo chương trình, 3 bên gồm BV Truyền máu và huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thuỵ Sỹ lập biên bản ghi nhớ Chương trình hỗ trợ bệnh nhân VN dùng thuốc theo thoả thuận tài trợ. The Max là tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ bệnh nhân sống chung với căn bệnh ung thư máu và ung thư hiếm từ các nơi trên Thế giới. Với vai trò là thẩm định hồ sơ bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chương trình. BV chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để được phê duyệt nhập khẩu hàng hoá này vào Việt Nam viện trợ miễn thuế. Phối hợp với The Max và Novartist tại Việt Nam trong việc chỉ định nguồn lực, thực hiện và quản lý các chương trình viện trợ.

Tuy nhiên, cội nguồn của việc thuốc quí giá mà bị hết date, theo phía BV cung cấp cho đoàn Thanh kiểm tra, thì trước 6 tháng, Khoa Dược căn cứ vào số lượng bệnh nhân hiện tại và số dự kiến tăng lên mỗi tháng để lập dự trù số thuốc sử dụng trong 1 năm và gửi cho Công ty Novartis. Khi SX xong số thuốc yêu cầu, công ty gửi thư hiến tặng thuốc cho BV; theo đó BV có văn bản trình lên Sở y tế cho tiếp nhận lô thuốc, nếu được UBND và Sở kết luận cho phép thì BV lập thủ tục Hải quan để nhận thuốc. Khoa Dược có trách nhiệm nhập thuốc về kho đúng qui định và để lưu trữ hay sử dụng, bác sĩ cũng căn cứ vào hồ sơ bệnh án kết quả xét nghiệm của bệnh nhân mà đưa thuốc về kho hoặc cấp phát cho các khoa.

Về phía nhà viện trợ, ngay khi sản xuất xong thuốc đã có thư hiến tặng thuốc và phía BV nhận được vào ngày 15-7-2013. Nhưng quy trình để nhập thuốc về đến BV mất quá nhiều thời gian. Cụ thể ngày 27-8-2013, BV gửi dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 cho Cty Novartis Việt Nam. Ngày 28-11-2013, BV có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin được tiếp nhận thuốc viện trợ. Ngày 27-12-2013 Cục quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành cho lô thuốc Tasigna của công ty Novartis Pharma service AG Thuỵ Sĩ có hạn dùng 24 tháng (thực tế lô hàng này sản xuất khoảng tháng 5-2013 và đến lúc này đã hết 7 tháng hạn sử dụng). Nhưng dù sao thì dự trù của BV là cho 6 tháng đầu năm 2014 nên nguyên nhân chính được xác định là từ sau giai đoạn này.

Ngày 30-12-2013, BV có văn bản gửi Sở Y tế xin chấp nhận cho BV thực hiện chương trình thuốc Tasigna (Vitanoa). Đến ngày 10-3-2014, Sở Y tế có văn bản gửi UBND thành phố và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP HCM xin chấp nhận cho BV tiếp nhận lô hàng trên. Ngày 24-6-2014, UBND TP có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ. Đến ngày 14-7-2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để BV tiếp nhận lô hàng thuốc trên.

Đến lúc này, chính thức kế hoạch sử dụng thuốc 6 tháng đầu năm 2014 đã "phá sản", nhưng thuốc vẫn chưa thể về kho BV vì Hải quan lại "viện dẫn" Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010 của Bộ Y tế để không cho BV tiếp nhận thuốc: "...thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thời hạn dùng còn phải tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày tới cảng VN". BV lại lại phải viện dẫn Điều 7, Thông tư số 45/2011/TT-BYT về việc: sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010: “….Trường hợp thuốc có hạn dùng 24 tháng thì hạn dùng còn lại từ ngày đến cảng VN tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc". Và đến lúc này, lô hàng mới được thông quan và về kho BV vào ngày 13-8-2014.

Thế nhưng, cũng trong tháng 8-2015, Sở Y tế lại buộc phải có văn bản đồng ý cho BV huỷ bỏ 19.997 viên thuốc Tagisna 200 mg, tuy nhiên đến thời điểm Thanh tra TP làm việc, BV vẫn còn chưa tiến hành huỷ 19. 997 viên thuốc trên?.

Gần 20 ngàn viên thuốc có giá trị gần 14 tỷ đồng hết date đã là thông tin bất ngờ về việc cần thiết của thuốc với bệnh nhân. Thế nhưng, còn bất ngờ hơn cả đó là ở một "qui trình" chuyển thuốc về tới tay người bệnh. Từ tháng 11-2013 đến tháng 8/2014, tức là đã mất hơn một năm trong khi đó Tasigna 200mg là loại thuốc có hạn sử dụng là 24 tháng. Viên thuốc có giá hơn 700 ngàn đồng/ viên mà phải tiêu huỷ, không ai đau xót hơn chính là những bệnh nhân bị bệnh Bạch cầu tuỷ mạn. Bởi liều dùng với họ là 3-4 viên/ngày. 

Nếu không nằm trong chương trình miễn phí hoặc không có BHYT chi trả, họ sẽ phải trả từ 2-3 triệu/ngày. Với người bệnh ung thư, buộc phải tuân thủ điều trị thì thuốc với họ còn được quí hơn vàng. Tuy so với tổng giá trị viện trợ của chương trình (gần 809 tỷ) thì con số 14 tỷ chưa phải là lớn, nhưng nếu so với giá trị kinh tế của một gia đình bệnh nhân thì sự hỗ trợ ấy quí giá biết nhường nào! Còn nếu tính, số tiền đó để trả lương cho một công chức thì tính ra, đủ cho khoảng 4-5 Chuyên viên làm … cả đời, kể từ khi nhận việc cho đến khi …về hưu.

Từ những kết quả trên, Thanh tra TP HCM đề nghị Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên, đồng thời tiến hành rà soát, báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng với các khoản tài trợ, viện trợ bằng tiền, bằng hiện vật còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng tại các BV công và trong toàn ngành y tế trong việc tiếp nhận, xử lý hàng viện trợ.

Theo kết quả của đoàn Thanh tra thành phố báo cáo UBND TP HCM, từ năm 2014-2015, BV Truyền Máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh đã nhận hàng hoá viện trợ phi chính phủ từ công ty Novartis Pharma Service AG Thuỵ Sĩ bằng 2 loại  thuốc Tasigna và Glivec tổng giá trị thuốc viện trợ năm 2014 là 287.420.413.079 đồng, năm 2015 là 521.444.293.875 đồng. 

Qua kiểm tra chứng từ nhập khẩu và kho, ghi nhận, năm 2014 BV nhập kho 34.608 viên Tasigna 200mg và 604.320 viên Glivec 100mg. Năm 2015, BV nhập 90.944 viên Tasigna 200 mg và 984.000 viên Glivec 100 mg.

Huyền Nga
.
.
.