Thêm một chàng trai đạp xe xuyên Việt để ủng hộ việc hiến tạng
- Giao lưu trực tuyến về hiến tạng: Nhiều nội dung bổ ích, nhân văn
- Ðôi vợ chồng hiến tạng cứu người
- Tấm lòng cao cả của nữ đại tá, BS CAND hiến tặng giác mạc khi qua đời1
- Hiến tạng nhân đạo, dòng chảy cho sự sống được nối dài
- Người mẹ quyết định hiến tạng con chết não để cứu người
Từ câu chuyện đau buồn của một người thân khi bốc mộ lên, thi thể không tan hết nên phải xử lý để chôn tiếp khiến gia đình càng thêm đau lòng, Lê Hữu Toàn đã quyết định phải làm một việc có ý nghĩa sau khi qua đời. Anh đã tìm hiểu qua báo đài, TV nên biết nhiều về việc hiến và ghép tạng. Vì thế, tháng 11-2016, một tháng trước khi bắt đầu chuyến đi xuyên Việt, anh đã đến Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đăng ký hiến tạng.
Có thể thấy được niềm vui của anh khi anh hân hoan chia sẻ với mọi người: “Một điều ý nghĩa nhất với mình là đăng ký hiến toàn bộ nội tạng khi chết não trước 1 tháng của chuyến đi và đã thông báo cho gia đình biết về quyết định của mình làm. Trước khi quyết định đi mình hoàn toàn tỉnh táo và đã suy nghĩ rất kỹ về tất cả trong chuyến đi này. Mình hạnh phúc khi đang thực hiện ước mơ của mình…”
Ths. Nguyễn Hoàng Phúc chào đón anh Lê Hữu Toàn tại Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chiều 7.2 |
Vì thế, trong hành trình bắt đầu từ mũi Cà Mau vào ngày 23-12-2016 đến khi có mặt ở Hà Nội, chàng trai nhỏ bé Lê Hữu Toàn đã gặp không ít khó khăn, vất vả và thử thách. Nhưng niềm vui được bạn bè động viên, khích lệ dọc đường thiên lý đã giúp anh có thêm động lực để thực hiện ước mơ của mình.
Tại Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Lê Hữu Toàn tâm sự, anh hiểu rằng, trong chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp một mình này, không thể không lường đến khả năng bị tai nạn. Rồi sau này, nếu điều không may xảy ra, anh muốn cái chết của mình cũng có ý nghĩa hơn bằng việc cứu sống nhiều người khác bằng các bộ phận tạng còn lại của mình. Đó cũng là một cách để anh tiếp tục được hiện hữu trên cuộc đời này, với gia đình và bạn bè.
May mắn, ba mẹ anh đã hoàn toàn ủng hộ khi nghe tin anh thông báo về quyết định trên. Nếu biết rằng ở quê hương anh, vùng đất nông thôn của xứ Thanh, nhiều người còn rất nặng nề với quan niệm “chết toàn thây”, mới thấy việc làm của Lê Hữu Toàn không chỉ ý nghĩa mà còn rất dũng cảm.
Ths. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người- xúc động trước tấm lòng của Lê Hữu Toàn, không chỉ vì hành động hiến tạng, mà còn vì những mong muốn của chàng trai nhỏ bé khi muốn thông qua hành trình xuyên Việt sẽ truyền được thông điệp “cho đi là còn mãi” đến nhiều người, để họ hiểu và ủng hộ nhiều hơn cho hoạt động hiến tạng. Nhất là khi hiện nay, số người cần ghép tạng ở Việt Nam tới hàng trăm nghìn người, trong đó, đã có rất nhiều người tử vong vì không có tạng để ghép.
Ths. Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: Chính những hành động thiết thực của những con người như Trần Nguyễn An Khương, như Lê Hữu Toàn, khi cùng với việc đăng ký hiến tạng, họ còn có các hành động để giúp những người khác hiểu về việc hiến tạng là hành động nhân văn, đầy ý nghĩa, cũng như cổ vũ mọi người đăng ký hiến tạng.
Thẻ đăng ký hiến tạng của anh Lê Hữu Toàn |
Nhờ đó, 3 năm qua, từ chỗ gần như chưa có người đăng ký hiến tạng, đến nay, đã có gần 10.000 người, trong đó có 47 người đăng kí hiến tạng khi còn sống –một con số mà chính những người đầy tâm huyết với công tác vận động hiến tạng như Ths. Nguyễn Hoàng Phúc và GS.TS. Trịnh Hồng Sơn –Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức kiêm Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cũng không dám nghĩ tới ở thời điểm Trung tâm mới thành lập. Trong số những người đăng ký hiến tạng, có nhiều người là nhà báo, doanh nhân, giáo viên, người công giáo và đặc biệt, có nhiều nhà sư đăng ký cả hiến tạng lúc sống và sau khi qua đời.
Ths. Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho biết, ngay tối 6-2 (tức 10 Tết Đinh Dậu), một bà mẹ ở Vĩnh Phúc đã gọi điện tới Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nức nở kể về hoàn cảnh con trai bà bị tai nạn giao thông nằm liệt giường 4 tháng qua, bệnh viện đã trả về vì tình trạng quá nặng, hôn mê. Bà cho biết sẽ sẵn sàng hiến tạng của anh khi anh qua đời. Trước đó, tối 14-1-2017, gia đình một người phụ nữ có Thẻ đăng ký hiến tạng tại Hà Nội qua đời đã gọi điện đến Trung tâm thông báo để cho người đến lấy giác mạc theo di nguyện của bà.
Tháng 8-2016, Đại tá, bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện 198 -Bộ Công an đã được gia đình thực hiện di nguyện của bà là hiến giác mạc cho người bệnh và các bác sĩ của Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tới để làm nhiệm vụ… Cùng vô vàn trường hợp đăng ký hiến tạng rất xúc động khác.
Sau hơn 3 năm thành lập, số người đăng ký tình nguyện hiến tặng mô, tạng, hiến xác đã tăng nhanh, cho thấy hiểu biết về vấn đề hiến tạng đã thay đổi mạnh mẽ. Dù có rất nhiều người đăng ký hiến tạng lúc sống, nhưng mục tiêu lớn nhất mà Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia hướng tới vẫn là những trường hợp đăng kí hiến mô tạng sau khi qua đời.
“Vì thế, chúng tôi vô cùng mong muốn sẽ có thêm nhiều người dũng cảm và sẵn sàng chia sẻ, vượt qua những quan niệm cổ hủ về “chết toàn thây” để đăng ký hiến tạng, cứu sống những người bệnh đang trông đợi được ghép tạng.” - Ths. Nguyễn Hoàng Phúc bày tỏ.