Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

Thứ Bảy, 05/03/2016, 09:06
Sáng 4-3, Hội nghị “Triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020” đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tới dự và phát biểu.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng cho biết: “Tôi muốn tham dự hội nghị này với mục đích nắm thêm về việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, đặc biệt là muốn gặp gỡ lãnh đạo Bộ Y tế để gửi gắm những trăn trở hiện nay của ngành Y tế thành phố nói riêng, y tế cả nước nói chung ở 4 lĩnh vực gồm: Các biện pháp giảm tải bệnh viện; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Các biện pháp cải cách thủ tục khám chữa bệnh; Các biện pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý ngành dược”.

Thông qua lãnh đạo của ngành Y tế có mặt tại hội nghị, Bí thư   Thành ủy Đinh La Thăng cũng nhắn gửi tới những người đang hoạt động công tác trong ngành Y, rằng: “Người bệnh còn rất khổ, rất vất vả!”.

Đồng thời ông phân tích: Với dân số 8,3 triệu người cùng một lượng khách vãng lai, khách quốc tế tới TP Hồ Chí Minh hằng ngày, tình trạng quá tải bệnh viện của thành phố vẫn là vấn đề gây nhức nhối. Việc nhân rộng mô hình BSGĐ thực sự cần thiết và quan trọng.

Được biết, mặc dù Dự án phát triển đào tạo BSGĐ được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 1998 nhưng đến 2002, trung tâm đào tạo BSGĐ mới được thành lập tại một số trường Đại học Y khoa. Hoạt động BSGĐ bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mới chỉ có 43% trạm y tế xã,  phường đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để lập phòng khám BSGĐ. Vì vậy, hầu hết người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên để điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của BSGĐ.

H.Nga
.
.
.