Số người nhập viện và tử vong do sốt xuất huyết đều tăng.

Thứ Ba, 11/07/2017, 17:21
Ngày 11-7, ông Đặng Quang Tấn-Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tuần vừa qua, cả nước đã phát hiện thêm hơn 3.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có một trường hợp tử vong ở Tiền Giang. 


Như vậy, đến nay, số người SXH đã được phát hiện trên cả nước là 48.898 trường hợp, trong đó có 14 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhập viện và tử vong do SXH đều tăng.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cho hay, thời gian qua, số mắc ở khu vực miền Nam chiếm 66,8% số mắc cả nước. Số người bị SXH nhập viện ở miền Bắc và miền Nam đều tăng, trong khi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Khu vực miền Bắc tăng cao tới 404% với hơn 2.100 trường hợp, khu vực miền Nam tăng 23% (gần 2.000 người) riêng khu vực miền Trung-Tây Nguyên giảm đáng kể.

23 địa phương  có số người mắc SXH tăng cao hơn cùng kỳ 2016, đặc biệt là ở các tỉnh, thành như Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Tây Ninh vv… Ngược lại, có 21 địa phương đã có số mắc giảm và 3 tỉnh không phát hiện ca mắc nào.

Lý giải về tình hình dịch SXH ở Hà Nội gia tăng và phát triển trước mùa dịch, Cục Y tế dự phòng cho rằng năm 2017, ở Hà Nội mùa hè năm nay đến sớm, lại không có đợt rét tháng 3 (rét Nàng Bân) như mọi năm nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường nước sông Đà, dẫn đến người dân tăng cường trữ nước, tạo điều kiện cho bọ gậy/loăng quăng phát triển. 

Ngoài ra, rất nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ cũng tăng, kết hợp với các khu nhà trọ của công nhân lịch sử mà điều kiện vệ sinh kém, là những nguy cơ cho việc lây truyền nguồn bệnh lan rộng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra việc phòng chống dịch sốt xuất huyết ở cơ sở

Theo ông Đặng Quang Tấn, hiện đang là mùa dịch, nên số người mắc SXH sẽ còn tiếp tục gia tăng. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn công tác thực hiện chỉ đạo phòng chống dịch tại nhiều địa phương. 

Các địa phương trọng điểm SXH đều đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh như truyền thông, tổ chức các chiến dịch làm sạch môi trường, diệt muỗi, bọ, gây, lăng quăng, xịt thuốc và tiến hành xử phạt các hộ gia đình, doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường theo Nghị định 176.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện, viện, địa phương tổ chức tập huấn, tập huấn, tập huấn lại về giám sát, phòng chống dịch, chẩn đoán và điều trị SXH cho các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch cho các địa phương triển khai các hoạt đọng phòng chống dịch chủ động, xử lý ổ dịch… Hiện Cục Y tế dự phòng đã cấp 6.200 lít hóa chất cho các địa phương và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng cấp cho các tỉnh, thành để triển khai hoạt động phòng chống dịch SXH.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2017,  TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 9.628 ca mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 3 trường hợp đã tử vong. Đặc biệt, trong tuần qua, số ca mắc SXH nhập viện tăng vọt: 456 ca, tăng 32% so với trung bình của 4 tuần trước đó. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do thời tiết ở đây nắng nóng lại có mưa nên rất thuận lợi cho muỗi sinh đẻ. Vì thế, thời gian tới, dịch SXH sẽ tiếp tục tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại địa bàn.

Riêng tại Hà Nội, đến ngày 11-7, đã có 4.130 trường hợp mắc SXH, tăng cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu thống kê bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện, còn trên thực tế, số người mắc chắc chắn còn cao hơn. Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trong tháng 6 đầu năm đã có gần 400 bệnh nhân đến khám và điều trị SXH, khiến Bệnh viện phải tăng thêm giường bệnh mới đáp ứng nhu cầu điều trị. Mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận gần 100 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị...


BOX: Ngày 11-7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, lần đầu tiên, đã có một cơ sở kinh doanh bị xử phạt hành chính do không thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh SXH. Đó là cơ cơ sở kinh doanh lốp ô tô cũ Tiến Bích (194 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch) đã để 1.800 chiếc lốp ô tô nhưng không vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch theo quy định, thậm chí, nhiều chiếc lốp ô tô còn đọng nước, tạo nguồn phát sinh bệnh.

Cùng với quyết định xử phạt 2 triệu đồng của UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy còn yêu cầu chủ cơ sở Tiến Bích phải di dời các lốp ô tô nói trê, đồng thời, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy đã tiến hành phun hóa chất phòng dịch vào từng chiếc lốp có chứa nước.

Đây là động thái quyết liệt của ngành y tế Hà Nội nhằm ngăn chặn dịch SXH đang tăng nhanh trên địa bàn trong khi vẫn còn nhiều hộ dân không chịu hợp tác để phòng chống dịch. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong quá trình phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch thời gian vừa qua, có tới 5% số hộ không hợp tác với nhân viên y tế. Với những trường hợp này, nhân viên y tế sẽ thống kê và báo với chính quyền địa phương để vận động, tuyên truyền bà con chấp hành. Nếu các hộ gia đình vẫn không hợp tác, chính quyền có thể xử phạt.

Thanh Hằng
.
.
.