Sẽ loại bỏ cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng “bẩn”

Thứ Tư, 30/03/2016, 08:39
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), thực phẩm chức năng (TPCN) chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm, nhưng đã có hơn 20.000 sản phẩm của gần 3.000 doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, trong đó chiếm 60-65% là sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra của cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng sản phẩm, như: hàm lượng không đúng như đăng ký, có sản phẩm nhiễm vi sinh vật, vi nấm… Điều đáng nói, phần lớn sai phạm rơi vào các sản phẩm sản xuất trong nước.

Thậm chí, cơ quan quản lý còn phát hiện có cơ sở chỉ có văn phòng đại diện, không có nhà máy, nhưng cũng công bố sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Hoặc có cơ sở khi đến thanh tra, kiểm tra theo địa chỉ đăng ký, thì không thấy văn phòng nhưng cũng không báo cáo, nên Cục đã phải rút giấy phép kinh doanh.

Lực lượng Công an từng phát hiện hàng tấn thực phẩm chức năng kém chất lượng.

Tại hội thảo về hướng dẫn thực hành sản xuất tốt TPCN do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 29-3, TS Nguyễn Thanh Phong cũng khằng định, TPCN đang là một lĩnh vực rất nóng, cả về chất lượng và quản lý. Nguyên nhân là do hiện nay, chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (tiêu chuẩn GMP) nên những doanh nghiệp đầu tư rất hiện đại, quy trình sản xuất rất chặt chẽ, cũng giống như cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ, trong khi với các cơ sở nhỏ lẻ thì rất khó để bảo đảm chất lượng, hoặc kiểm định chất lượng định kỳ. 

Mặt khác, giá thành sản phẩm của những cơ sở nhỏ lẻ lại rẻ hơn các cơ sở được đầu tư lớn, là không công bằng giữa các doanh nghiệp, nhất là chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng không đảm bảo. 

Vì vậy, thay vì sản xuất TPCN dễ dàng như thời gian qua, tới đây, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quản lý chặt bằng việc áp dụng tiêu chuẩn GMP, nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng của sản phẩm và tính kiểm soát của sản phẩm sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều. Đó chính là các qui định để nhà sản xuất phải đảm bảo các sản phẩm tuân thủ tốt những tiêu chuẩn chất lượng đã được công bố. Nếu không có GMP, sẽ có nguy cơ nhà sản xuất công bố một đằng, làm một nẻo, và người tiêu dùng sẽ rất thiệt thòi.

Đại diện Cục ATTP nhấn mạnh: Cục ATTP sẽ quản lý chặt hơn với các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, những cơ sở cố ý vi phạm, đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo, để bảo vệ sức khỏe người dân, tạo hành lang pháp lý công bằng để phát triển. Do vậy việc áp dụng chuẩn GMP trong sản xuất TPCN là việc cấp thiết, không thể chậm trễ, nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tạo hành lang pháp lý cho thị trường phát triển một cách công bằng. Cũng chỉ khi đó doanh nghiệp và sản phẩm TPCN Việt mới hội tụ được sức mạnh để chống lại sự xâm nhập của TPCN ngoại.

Bộ Y tế khẳng định quan điểm là tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển đúng pháp luật, phát huy thế mạnh y học cổ truyền của Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hướng tới xuất khẩu. Hiện, cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất TPCN và khi áp dụng GMP, chắc chắn có quá nửa số cơ sở này không đảm bảo yêu cầu, mà muốn được tiếp tục kinh doanh họ sẽ phải nỗ lực hơn nhiều, cố gắng đầu tư và nâng cao chất lượng quản lý hơn nhiều. 

Bộ Y tế hy vọng thời gian tới, chỉ các cơ sở có nhà máy sản xuất mới được công bố sản phẩm TPCN. Cả nước hiện có khoảng 180 doanh nghiệp dược trong nước đạt tiêu chuẩn GMP, những doanh nghiệp này cũng tham gia sản xuất một lượng lớn TPCN, nhưng Việt Nam lại chưa có quy định tổ chức chứng nhận cho các sản phẩm này.

Theo lộ trình của ASEAN, đến năm 2021 mới bắt buộc áp dụng GMP đối với TPCN, song, Bộ Y tế cho rằng, vì quyền lợi của người tiêu dùng, nên việc áp dụng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Bộ sẽ không đưa ra các quy định cứng nhắc hoặc quá bất ngờ, khiến các doanh nghiệp lúng túng, mà sẽ có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị và nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. 

TPCN là một thế mạnh của Việt Nam, bởi chúng ta có nền y học cổ truyền đứng thứ 2 thế giới, có lợi thế về nguồn dược liệu vô cùng lớn, nhưng muốn phát triển được phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu sản phẩm nhiều nhưng chất lượng không tốt, thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển đúng pháp luật, phát huy thế mạnh y học cổ truyền, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hướng tới xuất khẩu. 

“Nhưng tạo điều kiện không có nghĩa là buông lỏng quản lý” - TS Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

GS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, muốn đạt và phát triển nhà máy GMP thì quan trọng nhất là hệ thống quản lý, liên quan đến con người, chứ không phải chỉ là đầu tư xây dựng nhà xưởng to đẹp là sẽ được công nhận GMP. Quá trình phát triển GMP không bao giờ kết thúc, mà sẽ phát triển không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. 

Đây không phải là cơ quan quản lý làm khó doanh nghiệp mà là đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng - nhóm yếu thế và bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thấy, người tiêu dùng chính là nguồn sống của mình, nếu người tiêu dùng quay lưng thì doanh nghiệp cũng chết. Khi xây dựng chính sách này, Bộ Y tế cũng phải làm rõ được việc khuyến khích doanh nghiệp phát triển GMP thì doanh nghiệp được lợi gì!

Thanh Hằng
.
.
.