Sẽ giám sát hành nghề chặt chẽ hơn đối với các cơ sở y tế tư nhân

Thứ Hai, 26/12/2016, 18:40
Việc hai bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ và tử vong gần như cùng thời điểm trong buổi sáng 25-12 taih Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, liệu có điều gì đáng nghi ngờ, là câu hỏi được đặt ra tại buổi làm việc với báo giới của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội vào buổi trưa ngày 26-12.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: 2 ca phẫu thuật trong buổi sáng 25-12 được thực hiện song song, chỉ cách nhau 20 phút, ở 2 phòng mổ khác nhau và do 2 kíp nhân viên y tế khác nhau tiến hành. Thuốc dùng cho 2 bệnh nhân giống nhau, chỉ khác về liều lượng do cân nặng bệnh nhân khác nhau.

Ngay sau sự việc, đoàn kiểm tra chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại Bệnh viện và nhận thấy phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm. Toàn bộ số thuốc còn lại của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cũng đã được niêm phong. Sở Y tế cũng đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê trên, xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế và được biết, đây đều là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện và được cấp phép.

Liệu nguyên nhân 2 vụ tử vong có phải do thuốc gây mê, khi diễn biến khá giống nhau là đều xảy ra tai biến sau 30 giây được tiền mê, chỉ cách nhau 20 phút và cùng ở một Bệnh viện, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết: 

Theo cáo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trí Đức thì lô thuốc đã sử dụng cho hai bệnh nhân tử vong này đã được sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến. Tuy nhiên, khoảng 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y, để có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra tử vong.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, đây là sự việc rất đáng tiếc, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, hồi sức cấp cứu, cấp cứu sốc phản vệ, cũng như toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc mua bán, xuất nhập thuốc tại Bệnh viện; quá trình bảo quản thuốc, để tìm ra “lỗ hổng” gây tử vong. Ban đầu các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đều nghi ngờ là sốc phản vệ - là sự cố y khoa khó lường và xảy ra đột ngột.

Sở y tế Hà Nội làm việc với đại diện Đại diện Bệnh viện Đa khoa Trí Đức 

Trước thông tin cho rằng, sáng 25-12, có 3 bệnh nhân bị sốc phản vệ phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, trong đó, 2 trường hợp đã tử vong, còn có 1 bệnh nhân khác đang được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai hiện đã phục hồi tốt, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định đó là thông tin không đúng sự thật.

Vì theo Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã làm việc với Sở Y tế và Công an thì chỉ có 2 bệnh nhân được gây mê, phẫu thuật trong buổi sáng ngày 25-12 và đã tử vong. Cơ quan Công an cũng đã làm việc với hai bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở hai kíp mổ, lấy lời tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc.

Về thắc mắc có cần phải gây mê với chỉ định cắt amidan hay không, bà Trần Thị Nhị Hà cho hay, bác sĩ mổ cho nam bệnh nhân Tr. là một trong các chuyên gia đầu ngành về tai mũi họng và việc bác sĩ chỉ định gây mê cho bệnh nhân là được cân nhắc kỹ và phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân…Hai bác sỹ gây mê trong hai ca phẫu thuật bị tai biến đều là những người có nhiều kinh nghiệm, từng công tác tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 108.

Với hai trường hợp không có tên trong danh sách của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức gửi lên Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết đó là là hai nhân viên thử việc và Bệnh viện đã xuất trình được hợp đồng thử việc, cũng như giấy chứng nhận điều dưỡng viên của 2 nhân viên trên. 

Tuy nhiên, hai người này không trực tiếp thực hiện gây mê trên bệnh nhân. Hiện những giả thiết xung quanh 2 ca tử vong chỉ là nghi vấn ban đầu. Kết luận cuối cùng phụ thuộc vào kết quả khám nghiệm pháp y và quá trình điều tra của Công an. Khi có kết luận chính thức, Sở Y tế Hà Nội sẽ thông tin đến báo chí.

 Bệnh viện Đa khoa Trí Đức bị đình chỉ toàn bộ hoạt động thủ thuật, phẫu thuật và gây mê

Để tránh những sự cố đáng tiếc như đã xảy ra, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường các buổi tập huấn truyền thông để người dân biết những sự cố y khoa, tăng cường trình độ cấp cứu sốc phản vệ đối với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng làm việc trực tiếp trong các kip gây mê khi bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ

Trong trường hợp tiên lượng nặng thì phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế đủ nhân lực và trang thiết bị để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ giám sát hành nghề chặt chẽ hơn đối với các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là công tác chuyên môn và quy trình khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế ngoài công lập.

 Tập huấn và quy trình thăm khám và tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất để phát hiện về những hành vi vi phạm, đặc biệt là sẽ tăng cường thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn  giấy phép hành nghề đối với các cơ sở y tế vi phạm trên địa bàn.

Thanh Hằng
.
.
.