Phục hồi chức năng đóng vài trò quan trọng trong nâng cao sức khỏe nhân dân
- Đổi mới hệ thống phục hồi chức năng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
- Ứng dụng xe lăn đạp chân vào phục hồi chức năng tại Bệnh viện Bạch Mai
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi)
Tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước về hoạt động Phục hồi chức năng và Hội thảo góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Điều số 93 về Phục hồi chức năng) được tổ chức sáng 2/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, phục hồi chức năng (PHCN) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe người dân.
Trong điều trị COVID-19 của Tiểu ban Điều trị thời gian qua, PHCN đã góp phần phục hồi sức khỏe của người bệnh COVID-19, đặc biệt những bệnh nhân nặng như BN 91, BN 19, BN 161…
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số chiến lược, kế hoạch cấp quốc gia nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên toàn quốc như: Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020; Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2025….
Năm 2014, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về phát triển PHCN giai đoạn 2014 – 2020 với mục tiêu chính là củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN và nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN nhằm nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam và phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để họ hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với các Tổ chức trong nước và quốc tế. |
Hiện Việt Nam đã có 2 bệnh viện/trung tâm PHCN tuyến trung ương; 38 bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện PHCN và BV Y học cổ truyền-PHCN tuyến tỉnh; 550 khoa PHCN thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện. Có trên 9.000/11.000 xã phân công cán bộ theo dõi công tác PHCN; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ PHCN tại xã và PHCN dựa vào cộng đồng.
Dịch vụ PHCN được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe (CSSK); Nhân lực ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật KBCB. Hiện tại Bộ Y tế và SYT đã cấp chứng chỉ hành nghề PHCN cho 2.431 cá nhân. Trong số đó, có 1.721 kỹ thuật viên.
Hoạt động trợ giúp người khuyết tật ngày càng phát huy hiệu quả như mở rộng phạm vi bao phủ BHYT cho các dịch vụ KCB, PHCN. Đã triển khai trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, hỗ trợ PHCN tại nhà với nhiều người khuyết tật; cung cấp nhiều dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật ....giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, góp ý về các nội dung của Luật KBCB (sửa đổi), đặc biệt góp ý Điều số 93 về PHCN của Dự thảo Luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh, PHCN, hiện thực hóa bao phủ CSSK toàn dân, giúp cải thiện chức năng hàng ngày của con người, tăng cường sự hòa nhập và tham gia vào xã hội, phục hồi chức năng và giảm thiểu khuyết tật.
Đề xuất nội dung quy định về PHCN trong dự thảo Luật KBCB (sửa đổi), TS Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng PHCN và Giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Căn cứ để đề xuất là Luật KBCB năm 2009 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, Luật có 92 Điều nhưng chưa có quy định khái niệm về PHCN, chưa hiểu rõ bản về bản chất, vai trò, tầm quan trọng của PHCN trong ngành y tế và hệ thống KCB; chưa có Điều, khoản cụ thể quy định về PHCN trong Luật.
Trong khi đó, tỷ lệ người khuyết tật nước ta chiếm 7,06% dân số, khoảng trên 6,2 triệu người. Đối tượng cần PHCN là người khuyết tật, người bệnh, người có vấn đề về sức khỏe có nhu cầu phục hồi sức khỏe (từ trẻ em tới người cao tuổi) ngày càng cao, nhu cầu lớn.
Tháng 2 năm 2017, WHO đã khởi động sáng kiến PHCN 2030 và đưa ra “Lời kêu gọi hành động” đối với các quốc gia. Trọng tâm của hướng dẫn này là nhấn mạnh vai trò PHCN như là một dịch vụ y tế dành cho tất cả mọi người. PHCN nên được cung cấp ở tất cả các tuyến của hệ thống y tế.
Do vậy, cần thiết đưa nội dung quy định PHCN vào Luật KBCB (sửa đổi). PHCN là việc sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật, thuốc và thiết bị y tế để cải thiện, phát triển chức năng, giảm khuyết tật ở người có vấn đề về sức khỏe phù hợp với tình trạng sức khỏe và môi trường sống của họ.
Ký kết với 8 tổ chức phi chính phủ về hoạt động PHCN
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả từ nhiều tổ chức trong nước và Quốc tế, nhiều dự án trong hoạt động PHCN được tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ như: Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), Trung tâm Hành động vì sức khỏe cộng đồng (ACDC)…
Tại buổi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với 8 tổ chức trong nước và Quốc tế như VNAN, ACDC, Tổ chức HI, Tổ chức The International Center (IC), Viện dân số, sức khỏe và phát triển (PHAR), Tổ chức Uỷ ban y tế Hà Lan – Việt Nam MCNV, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững – VietHealth, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân Số (CCIHP), … các bên đều cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thúc đẩy sự phát triển ngành PHCN Việt Nam và tăng cường các hoạt động trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, PHCN cho người khuyết tật Việt Nam.
Các nhóm hoạt động của các Tổ chức phù hợp với mục tiêu, định hướng công tác chăm sóc sức khỏe của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với Kế hoạch hành động Quốc gia về phục hồi chức năng của Bộ Y tế.
Tổ chức CCIHP hợp tác với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đối với trẻ em tự kỷ, nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em tự kỷ. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và phục hồi chức năng có chất lượng, phù hợp với trẻ tự kỷ và điều kiện kinh tế của gia đình trẻ thông qua phát triển các mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ…
Trong khi đó, Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH) và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ký thoả thuận hợp tác về thực hiện hoạt động nhằm tăng cường năng lực của ngành Phục hồi chức năng trong đó tập trung thực hiện dự án: “Thực thi quyền, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người khuyết tật” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoà Kỳ (USAID) tài trợ.
Dự án sẽ thực hiện công tác đào tạo nguồn lực phục hồi chức năng và xây dựng hệ thống phục hồi chức năng tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước; khám chữa bệnh phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước và hỗ trợ phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật tại vùng dự án, ưu tiên nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.
“Về phía Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức quốc tế, các cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng được tốt nhất”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.