“Phép màu” cho người bệnh máu ác tính

Thứ Hai, 01/01/2018, 08:26
Ung thư máu, suy tủy xương… là những căn bệnh ác tính mà trước đây khi mắc phải, người bệnh gần như rơi vào “án tử”. Nhưng thành công từ những ca ghép tế bào gốc ở Việt Nam đã mở ra cơ hội cho người bệnh mắc bệnh máu ác tính.


Ngay cả Thalassemia – căn bệnh tan máu bẩm sinh cũng đã nhờ thành tựu ghép tế bào gốc mà người bệnh có thể trở về cuộc sống bình thường. Mỗi ca ghép tế bào gốc ở Việt Nam có chi phí rẻ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với người bệnh ra nước ngoài chữa trị.

Tia sáng với những người mắc “án tử”

Các bác sĩ ở Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vẫn không thể nào quên ca ghép tế bào gốc cách đây 9 năm. Đây là ca ghép thành công vượt ngoài mong đợi, bệnh nhân sau ghép sống khỏe mạnh như người bình thường.

Năm 2008 anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn) phát hiện mắc bệnh Lơ xê mi kinh (rối loạn sinh tủy). Cuộc sống tưởng rằng chấm hết khi anh phải điều trị thời gian dài ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong tuyệt vọng.

Ngày đó, ghép tế bào gốc còn là khái niệm y học xa lạ với người bệnh máu, nhưng khi nghe bác sĩ vận động đã nhen nhóm cho anh Bình tia hy vọng đây là con đường mở ra ánh sáng cho cuộc đời của mình. Anh được ghép tế bào gốc đồng loại (anh trai anh Bình cho tế bào gốc) vào năm 2008.

Sau những giây phút hồi hộp chờ đợi, ca ghép đã kết thúc thành công. Sau ghép, anh Bình chỉ phải dùng thuốc trong 6 tháng, sau đó là kiểm tra định kỳ, anh dần hồi phục và khỏe mạnh như người bình thường, sống hạnh phúc bên gia đình.

Cháu Trần Ngọc Ánh cùng em gái và mẹ tại phòng ghép tế bào gốc.

Từ thành công của anh Bình, người bệnh máu ác tính đã có thêm nhiều cơ hội sống bằng ghép tế bào gốc. Cách đây gần 4 năm khi phát hiện con gái bị suy tủy xương, chị Phạm Thị Lý (Hưng Yên) suy sụp. Nhìn con bệnh nặng, sự sống mong manh, thương con mà không cách nào giúp được, chị Lý chỉ biết lặng lẽ rơi nước mắt.

Cháu Trần Ngọc Ánh (14 tuổi) sau khi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì đầu năm 2014 được chuyển về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Trong lúc tưởng chừng căn bệnh của con rơi vào tuyệt vọng, thì tia sáng đã mở ra. Cháu Ánh được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại, người cho là em gái ruột của bệnh nhân.

Cháu may mắn khi có em gái ruột (5 tuổi) phù hợp hoàn toàn HLA với chị. Tháng 3-2014 cháu Ánh được ghép tế bào gốc đồng loại từ tủy xương của em gái. Ca ghép thành công, sức khỏe của cháu Ánh đã dần ổn định và bình thường trở lại.

Đến nay đã gần 4 năm sau ca ghép tế bào gốc, cháu Ánh đã khỏe mạnh, sinh hoạt và học tập bình thường, điều mà trước kia cha mẹ cháu đều không ngờ đến. Hạnh phúc khiến chị Lý bật khóc. Phép mầu đã đến với cháu Ánh và nhiều bệnh nhân ghép tế bào gốc ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Những khuyến cáo dành cho người bệnh

Ở Việt Nam, ca ghép tế bào gốc tủy xương thành công đầu tiên cách đây 20 năm, dần mở ra cánh cửa y học đem lại biết bao hy vọng cho người bệnh máu, trong đó có bệnh máu ác tính. Đến nay, cả nước có nhiều cơ sở tham gia vào hoạt động tế bào gốc, đã có nhiều người bệnh máu ác tính thoát khỏi “án tử” nhờ thành tựu ghép tế bào gốc.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là đơn vị có hoạt động tế bào gốc phát triển nhất cả nước với sự đầu tư đồng bộ của hệ thống labo, phòng ghép đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, các kỹ thuật ghép luôn được cập nhật, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ được đào tạo chuyên sâu, luôn hết lòng vì người bệnh. Ghép tế bào gốc là lĩnh vực mũi nhọn mà Viện áp dụng thường quy vào điều trị các bệnh máu ác tính.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Khoa Ghép tế bào gốc, từ năm 2006 bắt đầu ghép ca tế bào gốc tạo máu đầu tiên, đến năm 2017 Viện đã thực hiện được 300 ca ghép (khoảng 50% các ca ghép trên toàn quốc), trong đó năm 2017 thực hiện được 51 ca (19 ca ghép đồng loại, 27 ca ghép tự thân, 5 ca ghép từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn).

Đặc biệt, Ngân hàng tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sau hơn 3 năm đi vào hoạt động đã lưu giữ được trên 3.400 mẫu máu dây rốn đều đã xét nghiệm HLA và được lưu giữ, bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn và sẵn sàng ghép cho người bệnh có nhu cầu.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp tối ưu nhất hiện nay trong điều trị bệnh máu ác tính và lành tính, mang đến nhiều cơ hội khỏi bệnh, trở về cuộc sống bình thường cho người bệnh. Căn bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) mà ở Việt Nam có 2 triệu người mang gen bệnh và 20.000 người đang phải điều trị cũng đã có cơ hội chữa khỏi nhờ ghép tế bào gốc.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên cho người bệnh Thalassemia. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thì một ca ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chi phí thấp bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với nước ngoài, khoảng 200 triệu đồng/ ca ghép tự thân (nếu bệnh nhân có bảo hiểm chỉ phải chi trả 100 triệu đồng) và 600 triệu/ca ghép đồng loại (trừ bảo hiểm bệnh nhân phải chi trả khoảng 200-300 triệu đồng).

Kỹ thuật ghép của Việt Nam không thua kém gì so với nước ngoài, nhưng một số bệnh nhân vẫn lựa chọn sang nước bạn, song có nhiều người lại phải quay về vì không chịu nổi chi phí quá đắt.

Theo khuyến cáo của BS Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa ghép Tế bào gốc thì bệnh nhân sau ghép thành công phải thường xuyên kiểm tra định kỳ để theo dõi nếu có biến chứng xảy ra. Với bệnh nhân suy tủy xương, nếu có người cho phù hợp HLA và được lấy từ nguồn tế bào gốc từ tủy xương là phương pháp ghép tốt nhất.

Đặc biệt, với những bệnh nhân càng trẻ thì tỷ lệ thành công càng cao và trên thực tế tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với những bệnh nhân tương tự, tỷ lệ thành công là trên 80%.

Trần Hằng
.
.
.