Những hiểu lầm tai hại khiến bệnh động kinh khó chữa khỏi

Thứ Bảy, 06/01/2018, 10:20
Hơn 60% bệnh nhân động kinh có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và tuân thủ chữa trị theo thầy thuốc – đây là thông tin mà TS.BS Cao Vũ Hùng, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.


Động kinh là bệnh phổ biến, ước tính chiếm 0,5-1% dân số, hơn 50% xuất hiện ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Thiếu vitamin K là một trong những nguyên nhân dễ gây xuất huyết não ở trẻ nhỏ, nhưng việc tiêm phòng vitamin K cho trẻ sau sinh lại chưa được chú trọng đúng mức.

Thiếu vitamin K dễ gây xuất huyết não

Thiếu vitamin K dễ gây xuất huyết não và cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ em. Hằng ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi nhập viên do bị xuất huyết não (chủ yếu nhóm trẻ 1-2 tháng tuổi) mà phần lớn nguyên nhân có liên quan đến tình trạng do thiếu vitamin K dẫn đến giảm tỷ lệ prothrombin. 

Theo nghiên cứu, 80-90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào thời điểm 30-60 ngày tuổi. Các trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ di chứng có thể đến 40-50%). Các di chứng hay gặp nhất gồm có teo não, não úng thủy, hẹp sọ, động kinh, bại não hoặc chậm phát triển tâm thần vận động. 

Theo TS Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh thì để dự phòng bệnh xuất huyết não sau sinh, trẻ cần được tiêm phòng vitamin K sớm sau sinh. Tại Khoa Thần kinh, trước khi chưa tiêm vitamin K phòng bệnh, khoa thường có từ 300-400 bệnh nhân xuất huyết não mỗi năm. Những năm gần đây, khi các cơ sở sản khoa tiến hành tiêm vitamin K cho bệnh nhân sau sinh, tỷ lệ bệnh nhân xuất huyết não vào khoa đã giảm hẳn, còn 100-150 bệnh nhân mỗi năm.

Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cũng theo BS Cao Vũ Hùng thì tốt nhất trẻ được cung cấp vitamin K ngay sau sinh, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cung cấp vitamin K cho trẻ sơ sinh theo 2 phương pháp: tiêm hoặc uống. Tiêm cho tất cả các trẻ mới sinh 1 mũi vitamin K1:1mg hoặc vitamin K3: 2mg. Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần. Lần một là sau khi sinh, lần hai là 7 ngày tuổi và lần ba là 1 tháng tuổi. Trên thế giới ghi nhận, nếu trẻ được dùng vitamin K với chiến lược tốt thì tỉ lệ xuất huyết não chỉ là 0,25/100.000 trẻ đẻ sống.

Hơn 60% bệnh động kinh có thể chữa khỏi

Đến Khoa Thần kinh, chúng tôi không khỏi cảm thán khi có nhiều trường hợp điều trị bệnh động kinh nhưng do nhận thức không đúng, khi thấy bệnh đỡ, cha mẹ đã không tiếp tục cho con uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dẫn tới bỏ lỡ cơ hội chữa khỏi.

Cháu Nguyễn Tú A (Hà Nam) năm nay 4 tuổi, điều trị động kinh nhiều năm ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo lời kể của mẹ cháu thì cháu mắc bệnh động kinh thể nhẹ. Sau khi điều trị và uống thuốc 2 năm, cháu đã đỡ rất nhiều, sức khỏe ngày một tốt. Thấy con gần như khỏi bệnh, gia đình đã tự giảm liều thuốc mà bác sĩ kê. Sau một thời gian, bệnh của cháu tiến triển nặng, đi tái khám mới biết, họ đã chủ quan không tuân thủ điều trị, dẫn tới mất cơ hội chữa khỏi bệnh cho con. Đây là một trong số hàng trăm ca bệnh động kinh đáng tiếc vì không điều trị dứt điểm, bệnh đáng lẽ khỏi mà trở thành nặng.

 BS Cao Vũ Hùng đặc biệt khuyến cáo: “Nhiều người có quan niệm cho rằng động kinh là bệnh không chữa khỏi, không tiếp cận điều trị dẫn tới bỏ lỡ. Đặc biệt điều trị không kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng. Động kinh là bệnh mạn tính cần kiên trì điều trị, nhưng sai lầm của nhiều người là điều trị gián đoạn, thậm chí đang điều trị thuốc chống động kinh lại chuyển sang các bài thuốc lá, thuốc nam làm bệnh trở nặng, thậm chí gây ngộ độc cho cơ thể, nhiều bệnh nhân tự tiện tăng, giảm liều, quên uống thuốc hay tự ý đổi thuốc đã làm mất cơ hội khỏi bệnh”.

Theo BS Cao Vũ Hùng, có nhiều phương pháp điều trị động kinh như uống thuốc chống động kinh, phẫu thuật, thực hiện chế độ ăn kiêng… nhưng dùng thuốc chống động kinh là điều trị bắt buộc. Người bệnh cần phải được điều trị sớm và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Tiên lượng của bệnh không phải là xấu, trên 60% bệnh nhi mắc động kinh kiểm soát được cơn và khỏi hoàn toàn sau liệu trình điều trị, chất lượng sống của người bệnh tốt. Còn khoảng 40% bệnh nhân động kinh nặng, tồn tại cơn dai dẳng, thậm chí kháng thuốc.

BS Cao Vũ Hùng cảnh báo: “Người bệnh khi thấy dấu hiệu nghi ngờ động kinh như có những cơn co giật cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để khám, chẩn đoán và được tư vấn điều trị”. 

Từ năm 2010 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật phẫu thuật điều trị cho những bệnh nhân động kinh kháng trị, đến nay đã phẫu thuật cho trên 50 bệnh nhân với kết quả tốt. Kỹ thuật này gần đây đã được triển khai thêm ở một số bệnh viện như Việt Đức, Bệnh viện K. Đây là một tiến bộ và cơ hội cho những bệnh nhân động kinh nặng khi liệu pháp uống thuốc không hiệu quả.

Ngoài ra, người bị động kinh và người chăm sóc cần được hướng dẫn cách xử lý khi có cơn động kinh, cần đảm bảo an toàn tránh xảy ra các tai nạn do cơn động kinh gây nên như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Cũng như hướng dẫn người bệnh phát hiện các tác dụng phụ và khắc phục tác dụng phụ do thuốc chống động kinh gây nên bằng việc tái khám định kỳ.

Trần Hằng
.
.
.