Thời khắc nghẹt thở cứu bé 10 tháng tuổi bị cắm đầu vào xô nước

Thứ Sáu, 06/11/2015, 20:01
Để con ngồi ở phòng khách, người mẹ chạy vào bếp. Ít phút sau bà phát hiện đứa con 10 tháng tuổi của mình cắm đầu vào xô nước trong nhà tắm...

Thời khắc sinh tử ngạt thở

Theo bác sĩ BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực- chống độc BV Nhi Đồng 1- TP Hồ Chí Minh, khoảng 11h30' ngày 29/10, Khoa Cấp cứu BV tiếp nhận bé trai tên H.Đ.H.P (10 tháng tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận) tới trong tình trạng người tím tái, người co gồng, hôn mê. Bé đã được cấp cứu, hồi sức, hút đàm nhớt vùng mũi, miệng và đưa vào thở máy, nhưng vẫn hôn mê sâu.

Bé H.Đ.H.P (10 tháng tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận) hiện đã qua nguy kịch, đang được chăm sóc tại Khoa hồi sức tích cực Nhi đồng 1.

Theo lời bà mẹ, sáng 29/10 khi đang trông con, do có việc chạy xuống bếp nên bà mẹ đã để bé ngồi chơi trên phòng khách. Gần nơi bé ngồi có phòng tắm, bé đã bò vào trong phòng tắm. Trong phòng có đặt một xô nước. Bé chắc đã vịn vào được xô nước nhưng bị trượt chân, và ngã chúi đầu vào xô nước.

Sau vài phút ở bếp, người mẹ chạy lên phòng không thấy con nên vội chạy ra phía trước nhà tìm một hồi, sau đó chạy vào phòng rồi vào tiếp buồng tắm thì phát hiện con đã bị té chúi đầu trong xô nước, chân chổng lên trời.

BS CK II Nguyễn Minh Tiến: Sơ cấp cứu tại hiện trường đúng cách vô cùng quan trọng trong cấp cứu đuối nước.

Bà mẹ bế con ra nhưng do quá lúng túng, thay vì ấn ngực sơ cứu thì lại ấn bụng cho con với suy nghĩ để cho nước trong bụng ra ngoài. Lúc này, một người hàng xóm hay tin vội chạy sang và thực hiện các thao tác ấn tim, thổi ngạt cho bé, và cùng người mẹ đưa cháu lên bệnh viện Phú Nhuận.

Tại đây bé đã được mở nội khí quản, bóp bóng thở, sau đó chuyển lên BV Nhi Đồng 1. Sau 8 ngày được điều trị tích cực, hiện bé đã qua cơn nguy kịch, được cai thở máy nhưng còn tình trạng có viêm phổi hít, nên vẫn đang được theo dõi, điều trị.

Cũng theo BS Tiến, theo Y văn thì với trường hợp đuối nước, 4 phút đầu được coi là giờ vàng để cấp cứu có hiệu quả, cháu H.Đ.H.P khi được phát hiện đã quá giờ vàng cấp cứu, nhưng thật may mắn là cháu đã phục hồi được, 1 phần được thao tác ấn tim, thổi ngạt đúng cách của người hàng xóm.

Trẻ em vùng nông thôn mùa hè phải đối mặt với nguy cơ đuối nước rất cao.

Qua trường hợp trên cũng cho thấy, nhiều bà mẹ còn chủ quan khi trông con, mà tai nạn xảy ra với trẻ lại thường xuất hiện khi người trông lơ là, mất cảnh giác. Trường hợp này do gia đình chủ quan, nghĩ cháu chưa biết đi nên để ngồi một mình mà không nghĩ, lứa tuổi này các bé thường tò mò, bắt đầu thích tìm tòi thế giới xung quanh.

Ấn tim, thổi ngạt đúng cách sẽ cứu sống trẻ bị đuối nước

Năm 2014, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận một trẻ 14 tháng ( ngụ tại Củ Chi) bị đuối nước do ngã vào Hòn non bộ do gia đình có thiết kế ngay tại dưới gầm cầu thang trong nhà. Khi người nhà phát hiện thì bé đã ngã, nằm dưới hồ cả mấy phút. Trường hợp này các bác sĩ đã cố gắng điều trị hơn 1 tháng cháu bé mới được xuất viện.

Theo BS Tiến, việc sơ cấp cứu trẻ bị ngạt nước trong cộng đồng còn rất hạn chế. Trước hết người phát hiện cần phải đánh giá (nhanh, trong vòng 10 giây) là trẻ có còn phản ứng với việc lay gọi hay không, nếu khóc được là thở được thì làm khô, làm ấm và đưa ngay tới BV.

Nếu bị hôn mê, ngưng thở, ngưng tim(đánh giá qua sự chuyển động của lồng ngực, chứ không nên đặt mảnh gương hay sợi tóc trước mũi) thì nhanh chóng làm các thao tác ấn tim, thổi ngạt.

Thao tác ấn tim (ấn ngực - lấy phần “gót” của bàn tay ấn vào vùng dưới xương ức.), chứ không ấn bụng, ấn bụng làm dịch dạ dày và thức ăn trào ra làm bệnh nhân hít vào có thể gây viêm phổi hít, gây khó khăn trong cấp cứu điều trị. Trẻ từ 1 tới 8 tuổi thì cấp cứu viên sẽ dùng 1 bàn tay đỡ dưới xương ức, ấn 30 cái, đồng thời ngửa đầu, nâng cằm bệnh nhân lên, áp miệng, mũi của người cấp cứu vào miệng, mũi của bệnh nhân, thổi ngạt 2 cái.

Thổi ngạt vào vùng miệng bệnh nhân thì phải lấy tay bóp mũi người bị nạn, để hơi thở vào phổi bệnh nhân. Một người cấp cứu viên sẽ ấn tim 30 cái, kèm thổi ngạt 2 cái. Nếu 2 người cấp cứu thì, người thứ 1 ấn tim 15 cái, người thứ 2 làm thao tác thổi ngạt 2 lần. Làm liên tục 2 phút.

Nếu còn thấy tím tái, thì nên sơ cấp cứu như trên 2 phút nữa. Nếu thấy mặt bệnh nhân đã hồng hào, thở lại thì  đưa đi BV. Trên xe cấp cứu tiếp tục làm các thao tác trên cho tới khi tới BV.

Theo BS Tiến, động tác ấn tim, giúp tim đẩy máu đi tới các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Hơi thở của con người khi thở ra có 16% là O xy, hít vào là 21% O xy, nên việc thổi ngạt cho bệnh nhân là giúp đưa o xy lên não, là dưỡng khí vô cùng cần thiết để cứu sống bệnh nhân. Sơ cấp cứu tại hiện trường đúng cách thì khi đưa tới bệnh viện, các bác sĩ vừa cứu sống được bệnh nhân, vừa không để lại di chứng.

Những việc không nên làm khi trẻ bị đuối nước: 

Bế dốc ngược người bệnh nhân, chạy để cho nước ra, vì khi ngạt nước, nước vào bụng là nhiều, vào phổi rất ít. Dốc ngược người nạn nhân chỉ làm mất thời gian, còn gây dịch dạ dày cùng thức ăn chảy ra làm bệnh nhân bị viêm phổi hít. Việc lăn lu để cứu nạn nhân đuối nước (cho nạn nhân vào trong lu có hâm lửa nóng) hiện vẫn phổ biến tại vùng ĐBSCL cũng nên bỏ. Biện pháp này không cải thiện mà còn làm bệnh nhân bị bỏng.

Huyền Nga
.
.
.