Nhiều sáng kiến của Việt Nam được chú ý tại hội thảo khoa học quốc tế

Chủ Nhật, 12/11/2017, 20:27
Tại hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác thương mại hoá công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên APEC-bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" do Ngân hàng phát triển châu Á và Bộ KHCN tổ chức tại Hà Nội ngày 12-11, nhiều nghiên cứu khoa học của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Đề tài "Chế tạo nano bạc và phát triển ứng dụng để khử trùng trong y tế và đời sống" của TS. Trần Thị Ngọc Dung (Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam) được đánh giá cao trong việc góp phần vào phòng chống kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam! Theo TS. Dung, tỉ lệ kháng penicillin ở nước ta tới 72% trong khi Hàn Quốc là 55%, Hồng Kông 43%, Đài Loan 39%. Tỉ lệ kháng thuốc erythromycin ở Việt Nam cũng rất cao, tới 92%, trong khi Hàn Quốc 80%, Trung Quốc 74%... Đó là lý do để tác giả nghiên cứu chế tạo chất diệt khuẩn trong điều trị và đời sống.

Sáng kiến của TS. Dung cho phép chế tạo ra dung dịch nano bạc có nồng độ tới 5000mg/l. Hiệu quả thực nghiệm tại các bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, BV các bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy chỉ với nồng độ nano bạc dưới 1mg/l trong thời gian 15 phút đã tiêu diệt hoàn toàn cả 3 chủng vi khuẩn tả.

Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Kết quả tại BV Bỏng Quốc gia cho thấy liều diệt khuẩn tối thiểu của nano bạc đối với một số chủng vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh gây nhiễm trùng vết thương bỏng. Thực nghiệm tại bệnh nhân ở BV 108 cũng cho thấy khả năng diệt khuẩn của nano bạc đối với một số chủng vi khuẩn đa kháng kháng sinh gây hoại tử vết thương. Ngoài ra khi sử dụng nano bạc trên vết thương cho hiệu quả điều trị cao ở 100% bệnh nhân, không có phản ứng phụ, không gây kích ứng da, không bị tăng men gan. Có tới 92% bệnh nhân có công thức bạch cầu trở về bình thường. Trong khi đó các nghiên cứu cũng chưa phát hiện liều độc cấp tính của dung dịch nano bạc.

Từ kết quả này, Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam đã đưa vào ứng dụng chế tạo băng gạc điều trị vết thương; khẩu trang để phòng dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi; dung dịch điều trị bệnh ngoài da, vệ sinh phụ nữ vv...

Đề tài của TS. Trần Thị Ngọc Dung thu hút sự quan tâm tại hội thảo.

Ông Trần Hoàng Trung (Công ty đèn LED Hoàng Phát) cũng cho biết những giải pháp chống cận thị học đường bằng ánh sáng công nghệ hiện đại, giữ lại đôi mắt tự nhiên cho học sinh.

Ông Trung cho rằng nguyên nhân cận thị của học sinh là do bóng đèn huỳnh quang và compact có chứa phốt pho, thuỷ ngân và kim loại nặng để tạo ra khí neon và khi thắp sáng tạo ra xung đột và tia tử ngoại, gây mỏi mắt, có hại cho thị lực, đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh từ 7-16 tuổi. Trong khi học sinh phải học dưới ánh đèn neon có hại này mỗi ngày 8-9 giờ và liên tục 5 ngày/tuần.

Vì thế, đèn HPLed có giải pháp chống cận khi triệt tiêu 98% bệnh cận thị học đường. Nguồn công suất ổn định giúp tránh nhấp nháy gây hại cho mắt, đề phòng và chống lại tình trạng cận thị, tránh mỏi mắt và nhức mắt.

GS. Micheal Yap (Đại học Quốc gia Singapore) cũng chia sẻ ý tưởng về quốc gia thông minh với 5 yếu tố chính: nhà ở và môi trường; y tế và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; giao thông; năng suất kinh doanh và dịch vụ công.

Các đại biểu cũng đã thảo luận về kinh nghiệm các nước thành viên APEC trong thúc đẩy hợp tác thương mại hoá công nghệ và những gợi ý bài học cho Việt Nam! Đó là Chính phủ không can thiệp nhiều vào các ý tưởng; các nhà khoa học phải hợp tác với các doanh nghiệp để biến ý tưởng thành hiện thực phục vụ cuộc sống. Báo chí cần tăng cường truyền thông về KHCN để đóng góp cho xã hội vv...

Thanh Hằng
.
.
.