Nhiều ổ dịch bùng phát ở miền núi phía Bắc
Riêng Sơn La, cả ba năm liền đều có các trường hợp mắc và chết do uốn ván sơ sinh - căn bệnh đã được Việt Nam công bố khống chế nhưng nay xuất hiện trở lại. Riêng ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), từ đầu năm 2016 đến nay đã có tới ba ổ dịch: viêm não do coxackie, lỵ trực khuẩn và ho gà.
Đây là những thông tin do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Y tế tổ chức ngày 5-10.
Việc điều tra, xử lý các ổ dịch cho thấy, dịch bệnh thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế, giao thông khó khăn; đặc biệt, năng lực cán bộ y tế còn yếu, ít kinh nghiệm trong giám sát dịch bệnh.
Nguyên nhân chính để các dịch bệnh gia tăng là vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm kém; phong tục tập quán lạc hậu. Người dân lại chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, chỉ khi bệnh nặng mới đi đến cơ sở y tế.
Tăng cường cán bộ y tế cho tuyến dưới để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh. |
GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho biết, vẫn còn vùng lõm về tiêm chủng, tức là tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh thấp, không đủ tạo miễn dịch cộng đồng.
Tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine thuộc chương trình TCMR quốc gia ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều đạt thấp, chính là nguy cơ bùng phát một số bệnh đã có vaccine phòng bệnh.
Khi dịch sởi xảy ra ở bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An, hầu hết các ca bệnh đều không rõ tiền sử tiêm vaccine sởi. Hệ thống sổ sách không rõ ràng, cha mẹ không nhớ.
Ổ dịch lỵ tại các xã ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái khiến 108 ca mắc cũng đều ở địa bàn vùng sâu và xa, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, điều kiện vệ sinh thấp kém, hầu hết không có nhà vệ sinh, gia súc, gia cầm nuôi thả chung trong nhà, hầu hết mọi người đều ăn bốc bằng tay, không có bát đũa.
Ổ dịch Coxakie tại huyện Bảo Lâm, Cao Bằng khiến 27 trường hợp mắc, 7 người tử vong hay ổ lỵ trực khuẩn cũng tại địa bàn này khiến gần 200 người mắc cũng đều ở nơi có phong tục tập quán lạc hậu, điều kiện vệ sinh kém, ốm đau thì mời thầy mo đến cúng. Thiếu nước sinh hoạt, người dân sử dụng chung nguồn nước tại hồ treo, có thói quen uống nước lã, không có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Để khắc phục khó khăn, không để dịch bệnh xảy ra như thời gian qua, các chuyên gia đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế vùng núi, đồng thời, hướng dẫn các tỉnh giám sát phát hiện, điều trị và triển khai các biện pháp chống dịch.
Vai trò và trách nhiệm của chính quyền cơ sở cần được tăng cường trong việc phối hợp với ngành Y tế phòng chống dịch và cung cấp dịch vụ y tế. Việc phối hợp quân dân y, Bộ đội Biên phòng để tăng cường công tác phòng chống dịch và tổ chức tiêm chủng tại các vùng khó khăn, nhất là ở các khu vực biên giới, thiếu cán bộ y tế, được coi là giải pháp quan trọng vào thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó công tác phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới phải được coi trọng, đồng thời, giám sát dịch bệnh tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng bà con dân tộc sinh sống để phát hiện sớm bệnh.
Các địa phương có biên giới với Trung Quốc, Lào cần tăng cường giám sát tại cửa khẩu và cư dân biên giới.
Cử cán bộ tăng cường hỗ trợ tuyến dưới, phối hợp quân dân y cho các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu cán bộ y tế, mới mong lấp được lỗ hổng về số lượng và chất lượng cán bộ ở cơ sở.
Vấn đề tiêm chủng có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, vì thế, ngành Y tế phải rà soát, quản lý được đối tượng thuộc diện tiêm chủng tại tất cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không để vùng lõm về tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát các hoạt phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng là cần thiết…