Các trẻ mắc bệnh và tử vong tại Cao Bằng là do virus Coxsackie

Thứ Sáu, 27/05/2016, 18:15
Thông tin về 7 em bé dưới 6 tháng tuổi mắc bệnh và tử vong tại Cao Bằng cùng 14 trường hợp khác có dấu hiệu viêm não cấp đã khiến mọi người lo ngại. Ngày 27-5, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân của các trường hợp mắc bệnh và tử vong đều do virus Coxsackie.

 

 

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, trước đây 4 ngày, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã báo cáo với Cục Y tế dự phòng về tình hình ở 3 xóm: Tổng Ngoảng, Tổng Chảo, Nà Kiềng thuộc xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm đã xảy ra các trường hợp trẻ từ 2 đến 22 tháng tuổi bị bệnh với các triệu chứng: sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh. Bước đầu, ngành y tế tỉnh chẩn đoán nghi viêm não.

Vì thế, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác gồm các cán bộ chuyên ngành dịch tễ và điều trị của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương lên Cao Bằng để phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch, hỗ trợ điều trị bệnh nhân và đã lấy mẫu xét nghiệm để xác minh nguyên nhân gây dịch.

Bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu khởi phát ngày 20-4-2016, tử vong ngày 21-4-2016 tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Giang, đến nay tổng số bệnh nhân là 21, trong đó 7 trường hợp tử vong. Các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các triệu trứng sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, một số bé ho, khó thở sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, co giật, li bì và tử vong. Trong số các trường hợp tử vong có: 3 trường hợp tại BVĐK tỉnh Hà Giang, 1 trường hợp tại BVĐK huyện Bảo Lâm, 1 trường hợp khi đang chuyển từ BVĐK Bảo Lâm đến BVĐK tỉnh Hà Giang, 1 trường hợp khi đang chuyển đến BVĐK huyện Bảo Lâm và 1 trường hợp tại nhà.

Trẻ bị mắc bệnh do virus Coxsackie đang được điều trị (ảnh: Dương Ngọc)

Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng, người nhà đưa đến BV muộn. Hiện tại còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại BV (1 trường hợp nặng tại BVĐK tỉnh Hà Giang, 7 trường hợp đã ổn định đang điều trị tại BVĐK huyện). Đến ngày 27-5 đã không phát hiện thêm trường hợp mắc mới. Trường hợp khởi phát gần đây nhất là ngày 21-5.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm cho kết quả 2 mẫu dương tính với virus Coxsackie A6, không có mẫu nào dương tính với virus cúm. Theo các chuyên gia, việc lây truyền bệnh này qua tiếp xúc với dịch mũi họng, phân và khí dung của người bị nhiễm (kể cả người bệnh lẫn người lành mang trùng). Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Hà Giang tăng cường các biện pháp chỉ đạo, xử lý tình hình dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan và tử vong.

Đoàn cán bộ của Bộ Y tế cũng trực tiếp chỉ đạo ngành y tế địa phương tiến hành các biện pháp: Tăng cường công tác giám sát tại thực địa, điều trị tất cả các bệnh nhân phát hiện được tại BVĐK huyện để không xảy ra tử vong và cách ly bệnh nhân triệt để. Hiện đã cử cán bộ dịch tễ và lâm sàng từ tuyến tỉnh xuống cắm chốt, hỗ trợ tuyến huyện và xã xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Cán bộ y tế xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân bằng cách phun dung dịch khử trùng có chứa Clo cũng như diệt muỗi, côn trùng bằng phun dung dịch Deltamethrin và tiếp tục vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch cho người dân. Do đồng bào H’Mông ở đây có tập quán lạc hậu, khi có người đau ốm thường không đưa đến cơ sở y tế mà để ở nhà và mời thầy mo đến cúng, bái chữa bệnh, nên ngành y tế đã tăng cường công tác tuyên truyền để khi có người ốm thì người dân báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đưa đến cơ sở điều trị.

Ngày 27-5, PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương dã cùng các bác sĩ của BV trực tiếp về địa phương để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ y tế 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang về các biện pháp thu dung và điều trị bệnh nhân.

PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung, do vi rút Coxsackie nói riêng, bằng việc giữ gìn vệ sinh chung; ăn chín, uống chín; đảm bảo ATTP; thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tuyệt đối không tiếp xúc với người bị bệnh. Khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nhất là với trẻ em, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Thanh Hằng
.
.
.