Những cái chết oan uổng vì thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc

Thứ Năm, 07/03/2019, 08:58
Được quảng cáo như một thần dược, một số loại thuốc đông y đã khiến người bệnh tiểu đường tin vào sự thần kỳ trị liệu của nó. Kết quả nhiều người đã bị biến chứng phải nhập viện cấp cứu và tử vong.


Ngày 4-3, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế chính thức ra thông báo ngừng sản xuất, lưu hành và sử dụng “Tiểu đường hoàn” do Công ty Cổ phần Difoco sản xuất do nguyên liệu sản phẩm không đúng với công bố.

Mù quáng tin quảng cáo 

Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân V.T.H.Ng (63 tuổi, ở Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng suy đa tạng do nghi ngộ độc phenformin (một loại thuốc trị đái tháo đường type 2 đã bị cấm 40 năm nay). Mặc dù được lọc máu liên tục, điều trị tích cực bằng máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo, song bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

Theo người nhà bệnh nhân thì ông Ng. có tiền sử đái tháo đường đã 3 năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”. Mỗi ngày ông Ng. uống 8 viên, khi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn gia đình đưa ông vào Bệnh viện 354 điều trị. 

Bệnh tình của ông Ng. ngày một tiến triển nặng, xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng, suy đa tạng, được điều trị tích cực, lọc máu 4 lần nhưng không biến chuyển, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. 

Viên Tiểu đường hoàn mà bệnh nhân sử dụng rồi gặp biến chứng.

Người nhà bệnh nhân đã mang lọ sản phẩm mà ông Ng. sử dụng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường cho bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu xem. Lọ sản phẩm mang tên Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn Difoco có chứa những viên tễ màu đỏ. Điều đáng nói, qua xét nghiệm hóa học, các viên tễ trong lọ sản phẩm trên dương tính với chất cấm phenformin.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân biến chứng nặng sau một thời gian tự ý dùng “Tiểu đường hoàn” để điều trị bệnh tiểu đường, 4 trong số 5 bệnh nhân trên đã tử vong. Điển hình là 2 bệnh nhân nam 57 tuổi ở Lạng Sơn và 66 tuổi ở Hà Nội vào viện với biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau ngực, sốc, suy đa tạng. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, hồi sức tích cực, lọc máu 3 ngày nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.

Cảnh báo bệnh nhân không sử dụng thuốc bừa bãi

Ngay sau khi có thông tin bệnh nhân V.T.H.Ng sử dụng viên tiểu đường hoàn Difoco bị biến chứng và tử vong, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết Cục đã tiến hành xác minh. 

Ngày 4-3, Cục ATTP thông báo đã kiểm tra việc sản xuất, lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn đối với Công ty Cổ phần Difoco, sản phẩm do Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco công bố, sản xuất tại địa chỉ: 276/17/2 Mã Lò, khu phố 6, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). 

Qua kiểm tra phát hiện nguyên liệu sản xuất sản phẩm không đúng với công bố; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Tiểu đường hoàn" được sản xuất từ nguyên liệu có tên là “Thảo dược tiểu đường”, “Thảo dược hỗ trợ tiểu đường”, đã phối trộn sẵn không đúng với tên nguyên liệu đã công bố; Chi nhánh Công ty Cổ phần Difoco đã không còn hoạt động tại địa chỉ như trên nữa.

Cục ATTP đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Difoco ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn và thu hồi các lô sản phẩm đã sản xuất, lưu hành trên thị trường và có báo cáo bằng văn bản số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, còn tồn kho và thu hồi được. 

Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng, trong thời gian cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Vậy nguyên liệu để sản xuất Tiểu đường hoàn là gì, có những thành phần gì không đúng với công bố? Theo Cục ATTP thì đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Phenformin là một hoạt chất được dùng trong trị bệnh đái tháo đường tại Mỹ từ năm 1950. Năm 1973, hoạt chất này bị cấm sản xuất và lưu hành do ghi nhận hàng loạt ca tử vong có liên quan đến acid lastic sau khi dùng thuốc.

Tại Việt Nam cũng cấm lưu hành Phenformin, nhưng nó vẫn được trà trộn để sản xuất thuốc đông y không nhãn mác, quảng cáo thổi phồng như thần dược. Đặc biệt người bệnh tiểu đường còn mù quáng tin vào cách chữa bệnh tiểu đường bằng “cặp đá thần kỳ” đã để lại hậu quả nặng nề. 

Đó là ông Nguyễn Xuân T (82 tuổi, ở Hà Nam) mắc đái tháo đường 27 năm được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Nghe quảng cáo trị được bách bệnh, anh trai ông đã mua “cặp đá kỳ diệu” về tặng cho ông. Cách sử dụng của cặp đá này là luộc trong nước sôi 20 phút hoặc hâm nóng bằng nhiệt độ cao 2-5 phút trong lò vi sóng rồi chườm vào các bộ phận trên cơ thể như chườm gan, chườm thận, chườm đa năng, giúp đả thông bế tắc mao mạch ngoại vi, lưu thông máu huyết. 

Do chân ông T bị sưng tím, vợ ông đã lấy cặp đá cho vào lò vi sóng quay trong 5 phút. 30 phút sau khi chườm, ông T xuất hiện huyết áp tăng, mắt đỏ lựng, chân bỏng nặng, xuất hiện những mảng phồng rộp lớn. Trường hợp của ông T không phải là hy hữu mà theo bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương có nhiều bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện vì đắp lá, chườm đá, dùng đá muối Hymalaya...

Theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Khoa nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, đái tháo đường là bệnh mãn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng nếu bệnh nhân tuân thủ liệu trình trị liệu, theo dõi liên tục, phối hợp với chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập phù hợp theo chế độ của bác sĩ. Người bệnh không nên tin những quảng cáo trên mạng, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được kiểm định để tránh biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Trần Hằng
.
.
.