Nhân viên y tế bị bạo hành còn cao
- Tạm giam đối tượng hành hung bác sĩ bệnh viện
- Khởi tố nhóm đối tượng hành hung bác sĩ
- Khởi tố đối tượng hành hung bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn
Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5-2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện, trong đó năm 2014 có tới 7 vụ điển hình. Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện, tập trung chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 4 bác sĩ, 15 điều đưỡng và một bảo vệ bị hành hung.
Trước đó, có hai trường hợp đoàn viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu, Bệnh viện đa khoa Vũ Thư - Thái Bình năm 2012, mới đây nhất là một đoàn viên là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn - Quảng Nam do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo “An toàn vệ sinh lao động - phòng, chống bạo hành tại các cơ sở y tế” nằm trong chuỗi chương trình “Bảo vệ blouse trắng” do Công đoàn Y tế Việt Nam, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức ngày 29-10 tại Hà Nội.
Theo ông Khoa, bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao, vì quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng kém, thiếu nhân lực y tế và dễ xảy ra những sự cố y khoa. Tình trạng trộm cắp, cò mồi, bắt cóc trẻ sơ sinh, người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, say rượu… hành hung y, bác sĩ… đang ngày càng gia tăng. Trong đó, những nhân viên y tế mới, ít kinh nghiệm ứng xử dễ bị gặp bạo hành tại bệnh viện hơn.
TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Pháp luật Việt Nam hiện chưa mang tính răn đe cao. Nhiều nước chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế có thể sẽ bị giam giữ. Trong khi tại Việt Nam pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện.
Theo TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, tình trạng bạo hành với cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Những vụ bạo hành về tinh thần, mà hậu quả để lại tuy vô hình, song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, theo bà Bình, đó là do làm việc quá tải, tính chuyên nghiệp của cán bộ y tế còn thiếu nên thiếu sự cảm thông, chia sẻ, vi phạm quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của bệnh viện dễ gây ra tâm lý căng thẳng, kích động từ phía bác sĩ và người bệnh, người nhà người bệnh.
Các phương án bảo vệ đoàn viên của bệnh viện cũng chưa đầy đủ. Người bệnh và gia đình người bệnh cũng thiếu sự kiềm chế, chưa nhận thức được việc vi phạm pháp luật khi có bạo lực tại bệnh viện dẫn tới gia tăng bạo lực trong môi trường này.
Chính vì vậy, tới đây, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm gia, giám sát và đưa ra phương án phòng bạo hành cho cán bộ y tế vào tiêu chí chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh. Công đoàn cũng sẽ trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Y tế, Tổng hội Y học… nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên công đoàn trong ngành y tế. Từ đó, sẽ có những kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền với các vấn đề liên quan tới chính sách…