Người dân chủ quan với nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Thứ Bảy, 07/09/2019, 23:01
3 bệnh nhân nhập viện vì liên cầu khuẩn lợn tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong thời gian gần đây đã cho thấy, dù cảnh báo nhiều về nguy hiểm chết người từ liên cầu khuẩn lợn, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, sử dụng tiết canh lợn hoặc tiếp xúc với lợn bệnh nhưng không có bảo hộ. Nhiễm khuẩn liên cầu lợn để lại nhiều di chứng, thậm chí tử vong.


Di chứng nặng nề

Trong vòng hơn nửa tháng qua, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận 3 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. 

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ SN 1977, trú tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích, sốt cao, đau đầu, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ. Sau một ngày nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện kích thích, giãy giụa không biết gì, khiến gia đình vô cùng lo lắng. 

Theo người nhà bệnh nhân, chị này làm nghề giết mổ lợn 15 năm nay, trước khi vào viện, bệnh nhân có hành nghề nhưng không mang trang phục bảo hộ lao động đầy đủ. Gặp phải lợn nhiễm bệnh, do tay bị xây xước, lại chủ quan nên đã nhiễm bệnh.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.

Một bệnh nhân nữ nhập viện nữa là bà N.T.T (SN 1958 trú tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, chóng mặt nhiều, chân phải đau khó đi lại. Người nhà bệnh nhân này cho biết, trước đó bà T trong lúc sơ chế thịt lợn tại nhà, không may bị đứt tay, đã tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương hở.

Trường hợp thứ ba là nam bệnh nhân N.Đ.P (trú tại phường Quang Trung, TP Uông Bí) đã ăn tiết canh lợn trong một buổi liên hoan cùng với bạn bè. Một thời gian sau ông có biểu hiện khó chịu, sốt, mệt mỏi. Gia đình đưa ông vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu nhiều, mệt mỏi. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân xất hiện tình trạng lơ mơ, yếu ½ người phải.  

Theo BS Trịnh Thu Hoàn, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, trung bình mỗi năm, Khoa tiếp nhận từ 8-10 ca mắc liên cầu khuẩn lợn. 

Cả 3 trường hợp nêu trên đều được các bác sĩ chọc dịch não tủy, điều trị kháng sinh liều cao… Tuy nhiên, chỉ có một bệnh nhân khỏi hoàn toàn, còn 1 bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người và một bệnh nhân di chứng giảm thính lực. BS Hoàn cũng cho biết, trong vài năm gần đầy, tỉ lệ mắc liên cầu lợn vào viện  trong tình trạng nặng, diễn biến khó tiên lượng.

Còn rất chủ quan

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh mà người dân có thể chủ động phòng tránh được nhưng người dân vẫn còn rất chủ quan, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ, tết thường mổ lợn liên hoan và có món tiết canh. 

Có người gia đình nuôi lợn, thường xuyên giết mổ lợn và ăn tiết canh với lý do “lợn nhà nuôi nên an toàn”. Bằng mắt thường, người dân khó phân biệt con lợn nào có vi khuẩn liên cầu. Do vậy, việc ăn tiết canh lợn hoặc lợn chưa chế biến chín là cực kỳ nguy hiểm. 

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn mỗi năm. Nhìn vào những hậu quả và di chứng của các bệnh nhận tại đây, mới thấy hết sự khủng khiếp từ thói quen “ăn không chín, uống không sôi”. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hầu hết các bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn đều có tiền sử trước đó là ăn tiết canh lợn, hoặc thịt lợn chưa được nấu chính, lợn bị bệnh và giết mổ lợn bệnh. 

Bệnh liên cầu khuẩn lợn thường diễn biến rất nhanh và nặng, nhiều ca tới viện đã rơi vào tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng nặng, suy hô hấp, suy đa tạng, hôn mê và bị hoại tử các đầu chi nặng nề. Với người bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ có thể phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần. Có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị 2 tháng, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng tùy thuộc di chứng.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), theo thống kê, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn (tỷ lệ tử vong khoảng 7%). Người từng mắc liên cầu khuẩn lợn dù được chữa khỏi vẫn có thể bị nhiễm bệnh trở lại.

Vì vậy, theo BS Trịnh Thu Hoàn, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị ốm, chết. Khi phải tiếp xúc, giết mổ gia súc, gia cầm cần có các phương tiện bảo hộ đầy đủ; xử lý chất thải hợp lý. Khi các đối tượng tiếp xúc với nguy cơ gây bệnh có dấu hiệu bất thường sốt, đau đầu, nôn… cần đến viện khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn trong điều trị.

Trần Hằng
.
.
.