Nắng nóng kéo dài tăng bệnh nhân sốc nhiệt, đột quỵ

Thứ Bảy, 23/05/2020, 08:49
Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài nhiều ngày qua, đặc biệt vào ngày 21/5 khi nhiệt độ ngoài trời lên tới trên 40 độ C khiến nhiều người ra đường vào thời gian cao điểm, hoặc những người phải làm việc ngoài trời đều choáng váng, nếu không bù đủ nước sẽ dẫn tới mất nước, sốc nhiệt, đột quỵ phải nhập viện.


Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu cho một nữ bệnh nhân bị sốc nhiệt/ngộ độc khói do cháy khi đang đốt nương làm rẫy. Trẻ em tới trường vào giờ giữa trưa, người già, người lao động ngoài trời là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề của nắng nóng.

Suýt mất mạng vì sốc nhiệt

Chia sẻ về trường hợp nữ bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Bệnh nhân Chìu Thị M. (SN 1971, ở Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức, có tổn thương gan, tụt huyết áp. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc nhiệt/theo dõi hít phải khói do cháy, có thể khí CO, hơi nóng từ vụ cháy.

Người cao tuổi dễ bị đột quỵ, sốc nhiệt khi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm.

Bệnh nhân tới Trung tâm Chống độc trong tình trạng các ngộ độc khí nếu có cũng đã ổn định, tuy nhiên có tổn thương gan rất nặng, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân và còn vết thương bỏng do lửa hoặc hơi nóng ở vùng mặt. 

Sau khi được cấp cứu, điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc, hiện tại bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch và đang dần hồi phục. Hiện chức năng gan đang dần trở về bình thường, rối loạn đông máu đã ổn định và bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tự ăn uống, đi lại.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chị Chìu Thị M. đi đốt nương làm rẫy. Chị bắt đầu đốt nương và phát cây từ lúc 7h trời rất nắng và nóng. Chị chỉ biết cố gắng làm việc, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm ở Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh.

Người xung quanh kể họ phát hiện chị bất tỉnh ở nương lúc 1h chiều cùng ngày và đưa chị vào viện cấp cứu. Sau 3 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bãi Cháy, chị đã tỉnh trở lại nhưng có tổn thương gan nặng, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Chị M là một trường hợp tai nạn sốc nhiệt và bệnh nhân may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên đã tránh được tử vong. 

Sốc nhiệt xảy ra ngoài cộng đồng trong điều kiện lao động và môi trường nóng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C), do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước.

Đây là một bệnh cảnh suy đa tạng, thường rất nặng, nạn nhân thường không tử vong ngay tại chỗ nhưng tử vong tại các cơ sở y tế do đến muộn, suy đa tạng hoặc không được cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng.

Người già, trẻ nhỏ cần đề phòng những gì?

Nắng nóng kéo dài trong những ngày vừa qua khiến bệnh nhân nhập viện gia tăng, đặc biệt là người cao tuổi do nhiều người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… 

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số ca cấp cứu tăng khoảng 130-150% so với bình thường, phổ biến nhất là tình trạng đột quỵ, viêm phổi, sốc nhiệt… 

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, theo Khoa Khám bệnh, số lượng bệnh nhân đến khám không tăng, khoảng 1.200-1.500 người/ngày.

Song, số ca bị đột quỵ vào khám cấp cứu đã tăng lên. Ths.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết, người già có các bệnh mãn tính, nắng nóng ngồi quạt, điều hòa nhiều dễ bị viêm phổi, đặc biệt những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ có những đợt bội nhiễm cấp phải nhập viện. Nắng nóng cũng là một trong những nguyên nhân khiến những người bị huyết áp cao dễ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Vì thế, những đối tượng này không nên ra ngoài nắng từ khoảng 10h -16h nếu không có việc thực sự cần thiết; cần bổ sung đầy đủ nước, khoáng chất, vitamin…

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Vũ Việt Hùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, để bệnh nhân đến khám chữa bệnh không phải ra về vào giờ trưa khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, Bệnh viện đã điều chỉnh giờ khám bệnh từ 7h30 sáng xuống 7h, tăng cường quạt mát, tăng ghế ngồi và cây nước tự động cho người bệnh. Một số bệnh viện khác cũng đã điều chỉnh giờ khám bệnh sớm hơn để người dân không phải ra về vào thời gian cao điểm của nắng nóng, tránh xảy ra say nắng, sốc nhiệt…

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, học sinh của khối THCS và THPT phải đi học chiều vào khung giờ cao từ 12h-1h, đây là thời gian nhiệt độ ngoài trời cao nhất trong ngày, nhiều em học sinh phản ánh đã bị “choáng”, “say nắng” khi đến lớp.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh khi chở con đi ngoài trời vào thời điểm này phải cho con mặc quần áo chống nắng, đội mũ, đeo kính, uống đủ nước, tăng cường hoa quả, vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Còn theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, các trường hợp sốc nhiệt do lao động và môi trường hay gặp tại Trung tâm Chống độc vào những ngày cao điểm nắng nóng là những người chữa cháy rừng, đốt nương hoặc tham gia các chữa cháy khác.

Do người dân phải gắng sức tiếp cận lửa để dập lửa, vận động quá mức, lại uống nước không đủ, khu vực bị cháy hay xảy ra tai nạn lại thường ở vùng rừng núi xa cơ sở y tế nên đây là một vấn đề khá nan giải. Tuy nhiên, để người bệnh không nguy hiểm tới tính mạng, việc sơ cứu rất quan trọng.

Theo BS Nguyên, bệnh nhân càng được phát hiện sớm và sơ cứu, làm nguội cơ thể sớm, điều trị tích cực sớm thì càng hạn chế các tổn thương lên các cơ quan. Đặc biệt, những người lao động ngoài trời, khi phát hiện thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc nặng hơn là bất tỉnh thì phải cho tạm nghỉ và kiểm tra.

Thời gian làm việc nên buổi sáng bắt đầu từ sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn và khi làm việc nếu thấy nóng quá, mệt hoặc khó chịu nên tạm nghỉ và thường xuyên uống các loại nước pha muối như: ORESOL, nước quả, nước rau luộc cho thêm muối, nước khoáng…

 TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo về sơ cứu người bị sốc nhiệt do lao động và môi trường: Thường da nạn nhân khô và nóng đỏ thì phải cởi bỏ quần áo ngoài, chỉ che các vùng nhạy cảm và làm hạ thân nhiệt bằng phương pháp bốc hơi nước toàn thân (nước trên da khi bốc hơi sẽ mang theo nhiệt nóng và làm nguội cơ thể).

Cụ thể là tưới một lớp nước lạnh hoặc ấm trên toàn bộ da nạn nhân và quạt mát, giữ cho toàn bộ vùng da luôn ướt. Thậm chí, có thể nhúng cơ thể nạn nhân trong một vùng nước để nhanh chóng làm nguội nạn nhân. Nếu có nhiệt kế thì phải cặp ở hậu môn mới chính xác, thường cặp ở nách chỉ sốt nhẹ nhưng ở hậu môn lại tới trên 40 độ C. Nhanh chóng đưa nhiệt độ về khoảng 38 độ C và giữ ở mức này. Đồng thời gọi ngay người hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Chú ý liên tục duy trì việc làm mát cơ thể nạn nhân.

Trần Hằng
.
.
.